Scott Snyder - chuyên gia của Viện Nghiên cứu Triều Tiên thuộc Hội đồng Quan hệ đối ngoại (Mỹ) đưa ra nhận định về kết quả Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai vừa được tổ chức tại Hà Nội, Việt Nam.
Dễ nhận thấy rằng giới phê bình sẽ nhận định Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai không đạt kết quả như kỳ vọng.
Nhưng điều đó không có nghĩa Hội nghị thượng đỉnh Hà Nội không đóng góp cho tiến trình đàm phán Mỹ-Triều. Thực tế hội nghị lần này đã mang tới nhiều tiến triển đáng chú ý trong mối quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên, và cả cho khu vực.
Đầu tiên, Hội nghị thượng đỉnh Hà Nội là cần thiết để dẹp tan mối lo ngại rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump do phải đối mặt với nhiều thách thức trong nước nên sẽ chấp nhận một thỏa thuận chóng vánh. Bằng việc rời khỏi hội nghị mà không ra tuyên bố chung, ông Trump thể hiện sức mạnh của mình, và như lời khẳng định rằng ông sẽ không lao vào một quyết định quá nhanh chóng, dễ dàng - để rồi sau đó lại hứng chỉ trích trong nước.
Thứ hai, Hội nghị thượng đỉnh Hà Nội đã giúp hai bên hiểu rõ những khác biệt còn tồn tại. Nếu hai bên nhanh chóng ký kết một thỏa thuận hạn chế về vấn đề hạt nhân quan trọng, những sự khác biệt giữa họ - như về quy mô của giải giáp hạt nhân, mức độ dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên - vẫn sẽ tồn tại. Và sẽ lại nảy sinh thêm nhiều vấn đề cần giải quyết.
Sự khác biệt đó đã được thể hiện rõ vào phần cuối của Hội nghị thượng đỉnh Hà Nội, khi phía Mỹ đề nghị Triều Tiên có hành động nhiều hơn là chỉ tháo dỡ khu phức hợp hạt nhân Yongbyon. Dù cho khu phức hợp này được dỡ bỏ, tiến trình giải giáp hạt nhân vẫn chưa toàn diện. Việc ông Trump không ký kết một thỏa thuận quá nhanh chóng cho thấy sự nghiêm túc của ông khi xét đến vấn đề giải giáp hạt nhân.
Thứ ba, dù hội nghị vừa qua không đạt thỏa thuận sẽ khiến Tổng thống Hàn Quốc khó thúc đẩy quan hệ liên Triều, nhưng nó cũng sẽ trở thành động lực để Hàn Quốc đẩy mạnh các nỗ lực hỗ trợ Mỹ và Triều Tiên đối thoại, thu hẹp sự khác biệt về các vấn đề giải giáp hạt nhân và dỡ bỏ lệnh cấm vận. Qua hội nghị Hà Nội, Hàn Quốc đã nhận thấy rõ sự khác biệt còn tồn tại giữa hai bên.
Các nỗ lực nhằm tái khởi động các vòng đàm phán cấp làm việc giữa Mỹ và Triều Tiên cũng sẽ giúp Hàn Quốc làm tốt hơn vai trò trung gian hòa giải của mình. Hiểu rõ được sự khác biệt giữa Mỹ - Triều Tiên sẽ giúp Seoul thực hiện tốt hơn vai trò hòa giải của họ.
Trước đây, Hội nghị thượng đỉnh Singapore ra được một tuyên bố chung nhưng hạn chế, bởi nó không đặt ra được tiến trình làm việc hiệu quả để tạo được sự chuyển biến trong mối quan hệ Mỹ - Triều. Hội nghị tại Hà Nội đã thấy được sự khác biệt giữa hai nước, từ đó tạo nền tảng thiết lập tiến trình làm việc để hướng tới những tiến triển bền vững hơn trong tương lai.
Bởi vậy, Hội nghị thượng đỉnh lần hai dù không đưa ra tuyên bố chung, nhưng nó có thể là nền tảng giúp Mỹ và Triều Tiên hướng tới sự thay đổi bền vững trong mối quan hệ song phương, theo hướng tích cực.