Bước ngoặt để cải thiện hệ thống y tế

Bảo Thư 02/10/2023 09:00

Gần một nửa dân số thế giới (khoảng 4 tỷ người) đang thiếu các dịch vụ y tế thiết yếu. Trong số đó có khoảng 2 tỷ người khó khăn hoặc không có tiền để chi trả các dịch vụ y tế.

Chăm sóc y tế cho người dân ở Senegal. Nguồn: UN.

Đó là nội dung của Báo cáo theo dõi độ bao phủ y tế toàn cầu năm 2023 được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Ngân hàng Thế giới (WB) công bố mới đây, cảnh báo về tình trạng trì trệ trên phạm vi toàn cầu trong mục tiêu cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng, hợp lý và dễ tiếp cận. Theo WHO, trong vòng 2 thập niên qua, chưa tới 1/3 số quốc gia trên thế giới cải thiện được mức độ bao phủ của hệ thống chăm sóc sức khỏe và giảm chi phí dịch vụ y tế đối với người dân.

Để thay đổi thực trạng này, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi quyết tâm mạnh mẽ hơn, các khoản đầu tư mạnh bạo hơn và phải có những thay đổi bước ngoặt để cải thiện các hệ thống y tế quốc gia dựa trên công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch phụ trách bộ phận Phát triển con người của Ngân hàng Thế giới Mamba Murthi, khẳng định: Đạt được mức độ bao phủ y tế toàn dân là bước đi căn bản để giúp người dân thoát nghèo bền vững, đặc biệt là đối với khối người nghèo dễ bị tổn thương. Nhất là với các dịch vụ về các bệnh truyền nhiễm, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em.

Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và WHO, ước tính khoảng 8 triệu người tử vong mỗi năm tại 137 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình trên thế giới do dịch vụ y tế kém chất lượng. Tình trạng y tế yếu kém gây thiệt hại kinh tế 6.000 tỷ USD mỗi năm do sức khỏe của người dân suy giảm và tử vong sớm.

Báo cáo chung dài 80 trang của UNICEF và WHO cảnh báo, trong bối cảnh nguy cơ đại dịch còn tiềm ẩn, biến đổi khí hậu, bất ổn địa chính trị và xung đột gia tăng, việc đầu tư cho các dịch vụ y tế càng trở nên quan trọng. Việc phòng ngừa và kiểm soát các bệnh truyền nhiễm, hạn chế sự lây lan của tình trạng kháng thuốc kháng sinh và góp phần cung cấp các dịch vụ y tế có chất lượng tới tất cả mọi người đã trở nên cấp bách.

Những năm qua, lĩnh vực y tế đã có những tiến bộ vượt bậc trong việc điều trị nhiều căn bệnh nan y, cũng như điều chế vaccine ngừa dịch bệnh. Tuy nhiên, thành tựu ấy lại không chung cho tất cả các quốc gia, khu vực. Tại các quốc gia nghèo, ngân sách đầu tư cho y tế chỉ bằng khoảng 1/7 so với các quốc gia giàu. Đáng chú ý, những thành tựu mới về thuốc, vaccine, máy móc điều trị thì người nghèo cũng luôn “hưởng sau”.

Theo nghiên cứu của Văn phòng Thống kê quốc gia Anh, người giàu thường có thời gian sống khỏe mạnh lâu hơn người nghèo khoảng 9 năm nhờ ít bệnh tật. Ở tuổi 50, nhóm đàn ông giàu có sẽ sống thêm 31 năm khỏe mạnh, so với 21 năm của nhóm nghèo hơn. Tương ứng, phụ nữ giàu có sẽ sống thêm 33 năm khỏe mạnh so với khoảng 24 năm ở nhóm nghèo hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bước ngoặt để cải thiện hệ thống y tế

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO