Hơn nửa thế kỷ trải qua thời kỳ Chiến tranh lạnh, mối quan hệ đóng băng giữa Mỹ và Cuba đã chấm dứt vào ngày 20/7, sau khi hai nước mở cửa lại Đại sứ quán, khôi phục hoàn toàn mối quan hệ ngoại giao.
Cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và
Chủ tịch Cuba Raul Castro tại Panama hồi tháng 4/2015. (Nguồn: ABCnews).
Kỷ nguyên mới trong mối quan hệ Mỹ-Cuba diễn ra một cách không phô trương, mà chỉ sau khi hai phía ký kết một thỏa thuận nhằm nối lại mối quan hệ, và thỏa thuận đó chính thức có hiệu lực từ ngày 20/7. Đây cũng là hồi chuông báo chấm dứt 5 thập kỷ căng thẳng kể từ sau khi Tổng thống Mỹ John F. Kennedy ký sắc lệnh cấm vận Cuba hồi tháng 2/1962.
Sự chuyển biến mang tính lịch sử này đã được tôn vinh trong hôm đầu tuần, khi giới chức Cuba chính thức mở cửa Đại sứ quán nước mình ở thủ đô Washington D.C của nước Mỹ. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã có cuộc gặp với người đồng cấp Cuba, Bruno Rodriguez để cùng tham dự một cuộc họp báo.
Tuy rằng quá trình bình thường hóa quan hệ hiện đang là tâm điểm bàn luận trong mối quan hệ Mỹ-Cuba, hai nước vẫn còn tồn tại một số vấn đề cần phải giải quyết như: Sự đền bù thiệt hại kinh tế sau nhiều năm cấm vận, lời kêu gọi xóa bỏ lệnh cấm vận thương mại kéo dài đã 53 năm của phía Mỹ và lời kêu gọi cải thiện nền dân chủ của Mỹ đối với Cuba. Một số nhà làm luật của Mỹ, trong đó gồm một số ứng viên tiềm năng trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng của đảng Cộng hòa còn tuyên bố rằng sẽ không xóa bỏ lệnh cấm vận này và cam kết lật ngược bước đi mới của Tổng thống Barack Obama đối với Cuba.
Thế nhưng sự kiện ngày 20-7 vẫn đánh dấu một sự thay đổi đáng kể trong chính sách của Mỹ đối với quốc đảo này dưới thời cầm quyền của Tổng thống Obama, người luôn tìm cách tiếp cận mới với Cuba kể từ khi mới nhậm chức đến nay và từ đó dần dần gỡ bỏ các hạn chế về du lịch và chuyển tiền đối với nước này.
Những nỗ lực của chính quyền ông Obama đã gặp không ít cản trở trong những năm qua, nhưng sau các vòng đàm phán hồi tháng 12 năm ngoái, vào ngày 17/12/2014, ông Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro đã cùng tuyên bố rằng họ sẽ khôi phục lại hoàn toàn mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Từng tuyên bố rằng chính sách của Mỹ đối với Cuba trong suốt nhiều thập kỷ qua là một thất bại khi không mang lại lợi ích cho hai bên, ông Obama cho rằng Mỹ không thể giữ những chính sách thù địch như vậy mà cần phải thay đổi. Nhờ vậy mà tiến trình hướng tới bình thường hóa quan hệ giữa hai bên được khởi động.
Tiến trình này lần đầu tiên đạt được thành tựu khi Mỹ chính thức loại bỏ Cuba khỏi danh sách các nước bảo trợ khủng bố vào cuối tháng 5 vừa qua, và sau đó nới lỏng thủ tục đi lại và giao thương với người dân Cuba. Vào đầu tháng 7, cả hai nước cùng thỏa thuận rằng việc khôi phục mối quan hệ ngoại giao sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 20/7.
“Đây là một khoảnh khắc lịch sử” – Hãng AP dẫn lời một nhà phân tích và nhà ngoại giao lâu năm của Cuba, ông Carlos Alzugaray, nhận xét – “Việc mở lại Đại sứ quán cho thấy cả hai bên đang đối xử với nhau trên cơ sở niềm tin và sự tôn trọng. Điều này không phải là không còn tồn tại những xung đột, nhưng hướng để giải quyết những xung đột đó đã thay đổi”.
Để đánh dấu thời khắc bước ngoặt đó, Cuba sẽ tổ chức một buổi lễ với sự tham dự của khoảng 500 khách mời, trong đó có 30 thành viên phái đoàn ngoại giao, văn hóa và một số quan chức cấp cao khác đến từ quốc đảo Caribe, dẫn đầu là Bộ trưởng Ngoại giao Bruno Rodriguez.
Phái đoàn Mỹ tham dự sự kiện này dẫn đầu bởi Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách Tây bán cầu, bà Roberta Jacobson, người từng dẫn đầu phái đoàn các nhà đàm phán Mỹ trong suốt 6 tháng đàm phán không mệt mỏi để đạt được một thỏa thuận vào đầu tháng 7 vừa qua. Đại sứ quán Mỹ tại Cuba cũng đã đi vào hoạt động, dù việc mở cửa chính thức sẽ chỉ diễn ra trong buổi lễ thượng cờ khi Ngoại trưởng Kerry thăm Cuba vào tháng 8 tới.