Theo ông Lê Nam, Đại biểu Quốc hội Khóa XIII, năm nay án tham nhũng tăng chưa chắc đã là do tham nhũng tăng mà có thể do hoạt động của cơ quan chống tham nhũng tốt hơn, hiệu quả hơn.
Bộ Chính trị đã thống nhất đổi tên gọi “Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng” thành “Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực” để bao quát được đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo.
Theo ông Lê Nam, ĐBQH khóa XIII, đây là vấn đề nhân dân rất mong đợi, là bước tiến mới trong công cuộc làm trong sạch bộ máy nhà nước, đưa công tác phòng, chống tham nhũng hiện nay lên một tầm cao mới.
PV: Thưa ông, vừa qua Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật nhiều cán bộ do vi phạm trong việc giảm thời hạn chấp hành án phạt tù đối với trùm cờ bạc Phan Sào Nam. Ý kiến của ông về việc này?
Ông Lê Nam: Theo tôi cái gốc của vụ việc này nằm ở chỗ, phẩm chất của những cán bộ đó đã bị “tấn công” bởi đồng tiền. Vì trong suốt quá trình điều hành, tổ chức các hoạt động phi pháp, Phan Sào Nam là đối tượng có rất nhiều tiền. Và chưa chắc cơ quan chức năng đã kiểm soát, quản lý được hết các khoản tiền của đối tượng này. Điều đáng nói, đối tượng Phan Sào Nam không có công trạng, thành tích, tình tiết để có thể được giảm án theo quy định của pháp luật. Thế nhưng lạ là hệ thống các cơ quan tư pháp ở Quảng Ninh đều thống nhất để giảm án tù trước thời hạn cho Phan Sào Nam.
Điều đó đặt ra vấn đề cần kiên quyết chống tham nhũng ngay trong cơ quan phòng, chống tham nhũng thưa ông?
- Các cán bộ vi phạm đều là những cán bộ nắm luật pháp, từng trải, có chức tước, thử thách qua nhiều vị trí trước khi lên lãnh đạo nhưng lại để xảy ra vi phạm trên. Vậy họ phải vì cái gì chứ? cho nên dư luận và người dân cho rằng nếu vụ việc dừng ở đây là chưa thỏa đáng. Do đó sau khi có kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, các cơ quan bảo vệ pháp luật phải làm tiếp để trả lời rõ ràng với người dân câu hỏi này. Qua sự việc trên càng đặt ra vấn đề rằng hệ thống các cơ quan bảo vệ pháp luật càng cần đòi hỏi cán bộ giữ các vị trí quản lý, có chức vụ phải càng nghiêm cẩn, trong sạch để thực sự là “thanh bảo kiếm” bảo vệ công lý.
Khi thẩm tra báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021 và tình hình vi phạm pháp luật năm 2021 của Chính phủ, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã chỉ ra tình trạng tham nhũng được đánh giá là phức tạp và số tội phạm tham nhũng phát hiện tăng lên. Điều đó cho thấy tội phạm tham nhũng vẫn rất phức tạp?
- Tôi cho rằng tăng hay giảm là do việc phát hiện. Vì bản chất là tham nhũng nằm ở trong lòng bộ máy. Cho nên năm nay án tham nhũng tăng chưa chắc đã là do tham nhũng tăng mà có thể do hoạt động của cơ quan chống tham nhũng tốt hơn, hiệu quả hơn, phát hiện được nhiều vụ hơn. Do đó việc đánh giá cũng chỉ ở một mức độ nào đó.
Vừa qua Bộ Chính trị đã cho ý kiến về Đề án “Sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng”. Tại đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu phòng, chống tham nhũng phải gắn liền, đồng bộ với phòng, chống tiêu cực. Vậy theo ông đây có thể coi là bước tiến trong phòng, chống tham nhũng?
- Đây là vấn đề nhân dân rất mong đợi. Công tác phòng, chống tham nhũng phải gắn liền, đồng bộ với công tác phòng, chống tiêu cực, nhất là chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
Bởi xử lý hành vi tham nhũng còn liên quan đến vấn đề tội danh, bằng chứng và trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật. Nhưng chống tiêu cực chỉ cần tuân theo các quy định của Đảng là chúng ta có thể xử lý được. Đặc biệt không chỉ đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực kinh tế mà quan trọng hơn phải chống tiêu cực trong cả lĩnh vực tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống là cái gốc dẫn đến tham nhũng.
Tôi nói ví dụ đảng viên có nhiều tài sản và tổ chức đảng có quyền yêu cầu đảng viên của mình phải giải trình tài sản ở đâu mà nhiều thế? Vì đây là vấn đề đã có quy định. Ngay cả những người ứng cử để bầu làm đại biểu Quốc hội, hay trước khi được đề bạt cất nhắc lên vị trí lãnh đạo đều phải kê khai tài sản. Việc phòng, chống tham nhũng phải gắn liền, đồng bộ với phòng, chống tiêu cực. Bây giờ Bộ Chính trị đã thống nhất tên gọi từ “Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng” thành “Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực” sẽ bao quát được đầy đủ hết chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo. Theo tôi, đây sẽ là bước tiến mới trong công cuộc làm trong sạch bộ máy nhà nước, đưa công tác phòng, chống tham nhũng hiện nay lên một tầm cao mới.
Trân trọng cảm ơn ông!