Bưởi Lâm là giống bưởi quý, được trồng chủ yếu tại xã Lâm Động, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng. Tuy nhiên, do diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp nên hiện tại, chỉ còn khoảng dưới 10 hộ gia đình trồng được loại bưởi này. Ông Nhi (76 tuổi) là một trong số ít những người còn giữ và trồng bưởi Lâm ở thời điểm hiện tại. Ông Nhi cho biết, giống bưởi này xuất hiện đã vài chục năm nay, cho giá trị kinh tế cao nhưng rất kỳ công chăm sóc. "Thời buổi hiện đại nhiều người thích làm công ăn lương hơn là ở nhà trồng cây, tôi già rồi nên khỏe ngày nào làm ngày ấy", ông Nhi chia sẻ. Bưởi làng Lâm có 2 màu vàng và đỏ, trong đó bưởi đỏ được ưa chuộng hơn bởi màu sắc đẹp mắt. Mỗi quả bưởi nặng trung bình từ 4-6 kg, thường chỉ dùng để biếu, tặng, trưng ban thờ vào dịp Tết. Giá bán của mỗi quả bưởi sẽ tùy thuộc vào kích thước và khối lượng, dao động từ 600.000 - 1 triệu đồng/quả. Theo ông Nhi, dịp Tết năm nay, ông sẽ thu hoạch được khoảng 300 quả bưởi. "Thông thường khách sẽ đặt trước bưởi nhà tôi từ 2-3 tháng, trước Tết 1 tháng là không còn nên nhà tôi cũng chưa phải mang đi bán bao giờ", ông Nhi thông tin. Bưởi vàng sẽ có trọng lượng lớn hơn bưởi đỏ. Hầu hết, những quả bưởi vàng đều có khối lượng trên 4,5 kg. Bưởi Lâm "hút" khách dịp Tết bởi mùi thơm đặc trưng, vị ngọt thanh và kích thước lớn. Bưởi Lâm thường bị ruồi trắng phá hoại nên người trồng phải bọc nilon rất kỹ lưỡng. Chỉ khi ra vườn kiểm tra bưởi, người trồng mới tháo ra sau đó tiếp tục buộc lại. Hàng ngày, ông Nhi đều ra kiểm tra sự phát triển của vườn bưởi. Thậm chí, có quả bưởi còn được bọc 2 lớp gồm nilon và xốp để tránh côn trùng. Vì kích thước và trọng lượng của mỗi quả bưởi khá lớn nên người trồng phải thiết kế giàn đỡ ngay tại khu vực cành có quả. Thông thường, cây bưởi vàng sẽ cho quả nhiều hơn cây bưởi đỏ. Nhiều quả bưởi dù đã được thiết kế giá đỡ nhưng vẫn nặng trĩu xuống gần mặt đất. Ông Nhi chiết cành để cho giống bưởi với mong muốn lưu giữ được đặc sản bưởi làng Lâm.