Được sự quan tâm, đầu tư của Đảng và Nhà nước cùng với đó là những chính sách ưu đãi đối với đồng bào dân tộc thiểu số, sự nỗ lực của chính quyền địa phương trong chăm lo phát triển kinh tế- văn hóa-xã hội mà diện mạo buôn làng ở vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đang đổi thay từng ngày, đời sống của đồng bào DTTS không ngừng được cải thiện...
Công trình nước sạch xã vùng sâu Cư Pui (huyện Krông Bông).
Suốt 12 năm làm buôn trưởng, ông Y Hao Niê có lẽ là người chứng kiến đổi thay của buôn Hí (xã Cư Mta, huyện M’Đrắk) rõ rệt nhất. Chỉ mới cách đây 10 năm, buôn Hí có đến 37/45 hộ nghèo, 99% gia đình làm ruộng, cuộc sống thiếu trước hụt sau, chăn nuôi thả rông không hiệu quả và gây ô nhiễm môi trường. Nhưng bây giờ cuộc sống của bà con đã có nhiều đổi mới tích cực.
Buôn có 50 ha đất sản xuất, trong đó có 11 ha trồng lúa 2 vụ năng suất cao; gia đình nào cũng trồng cỏ chăn nuôi theo hướng bán công nghiệp (tỷ lệ bò lai trên 20%); 30% hộ có nhà xây kiên cố, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhiều. Đặc biệt, nhờ cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” được đẩy mạnh, những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào trong buôn được phát huy, những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, thói quen sinh hoạt không lành mạnh bị loại bỏ.
Trước đây, người dân trong buôn thường chôn cất người chết gần khu dân cư ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường, nhờ Ban tự quản và các ban ngành, đoàn thể tích cực vận động, đến nay, khu nghĩa trang đã được di dời và trong thời gian tới sẽ xây dựng thành khu vui chơi, giải trí cho bà con trong buôn, trong xã. Nhiều năm liền buôn Hí đạt danh hiệu buôn văn hóa.
Nhắc đến buôn Khanh (xã Cư Pui, huyện Krông Bông) ai cũng nghĩ đến những chiến công anh dũng, kiên cường của buôn căn cứ cách mạng trong hai cuộc kháng chiến. Phát huy truyền thống của quê hương, người dân buôn Khanh đã nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, góp phần làm “thay da đổi thịt” vùng căn cứ năm xưa từng ngày.
Buôn Khanh hiện có 182 hộ với 871 khẩu, trong đó 137 hộ là người dân tộc thiểu số. Nếu như trước đây, tỷ lệ hộ nghèo trong buôn chiếm hơn 62%, tỷ lệ nhà tạm trên 50% thì đến nay cả buôn chỉ còn 26 hộ nghèo; điện lưới quốc gia và nước sạch đã đến với 100% hộ gia đình; hệ thống giao thông nội vùng được đầu tư xây dựng, 100% hộ có phương tiện nghe nhìn, 85% số hộ có xe máy, máy cày phục vụ sản xuất…
Ông Y Som Byă, Trưởng buôn Khanh chia sẻ: “Trước đây các gia đình trong buôn nghèo lắm. Do đồng bào vẫn áp dụng phương thức sản xuất lạc hậu nên cái đói, cái nghèo cứ bám mãi. Giờ đây, được Nhà nước quan tâm, người dân biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi nên bộ mặt buôn làng đã thay đổi rõ rệt, đời sống của người dân đã được cải thiện đáng kể. Nhiều hộ dân từ đói nghèo đã vươn lên làm giàu, xây dựng nhà kiên cố, mua sắm những phương tiện hiện đại phục vụ đời sống gia đình và sản xuất…”.
Chia sẻ với chúng tôi, Già Ama H’Nguôi cho biết, được Nhà nước đầu tư cho điện, đường, trường, trạm, nước sinh hoạt hợp vệ sinh nên đời sống bà con ngày càng được nâng cao. Lũ trẻ không còn bỏ học, người dân được dùng nước sạch quanh năm, trong buôn làng đau ốm đều đưa ra trạm y tế, bệnh viện chứ không cúng bái như trước đây. Lũ thanh niên trong buôn giờ lo chăm chú làm ăn không còn uống rượu quậy phá dân làng nữa.
Theo thống kê của Ban Dân tộc tỉnh, giai đoạn 2009-2014, từ các nguồn vốn Trung ương đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ nâng cao đời sống đồng bào DTTS trong tỉnh. Riêng Chương trình 135 đã đầu tư cho các xã đặc biệt khó khăn hơn 389 tỷ đồng; trong đó xây dựng mới, duy tu, bảo dưỡng 914 công trình kết cấu hạ tầng, gần 30 nghìn hộ nghèo được chuyển giao khoa học kỹ thuật, tham quan học tập các mô hình giảm nghèo, hỗ trợ giống cây trồng-vật nuôi, máy công cụ phục vụ sản xuất và chế biến sản phẩm nông nghiệp. Cùng với đó, gần 8.000 hộ DTTS được hỗ trợ kinh phí lắp đặt nước sinh hoạt, 13.220 hộ nghèo được hỗ trợ nhà ở...
Bên cạnh sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước thì hơn 10 năm qua thực hiện Công văn 75-CV/TU ngày 22/3/2004 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk “Về việc phân công các cơ quan, đơn vị kết nghĩa với các buôn đồng bào DTTS” diện mạo các buôn làng trên địa bàn ngày càng khởi sắc.
Bà H’Ngoắt H’Mok- Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Đắk Lắk cho biết: “Với tình cảm và trách nhiệm với đồng bào buôn kết nghĩa, các cơ quan, đơn vị đã cử cán bộ xuống buôn phối hợp với các lực lượng làm công tác vận động quần chúng tham gia phong trào thi đua yêu nước, nâng cao cảnh giác, kiên quyết không nghe theo lời kẻ xấu”.
Cùng với đó, các tổ chức, đơn vị đã hỗ trợ vốn vay không tính lãi, giúp cây, con giống, phân bón; vận động, hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng mô hình phát triển kinh tế; trích quỹ phúc lợi, vận động cán bộ, công chức đóng góp xây dựng nhà Tình nghĩa, phòng học, nhà văn hóa cộng đồng, tổ chức khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí cho nhân dân… góp phần đẩy lùi những tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan, hình thành nếp sống văn minh.
Già Ama H’Nguôi cho biết, được Nhà nước đầu tư cho điện, đường, trường, trạm, nước sinh hoạt hợp vệ sinh nên đời sống bà con ngày càng được nâng cao. Lũ trẻ không còn bỏ học, người dân được dùng nước sạch quanh năm, trong buôn làng đau ốm đều đưa ra trạm y tế, bệnh viện chứ không cúng bái như trước đây. Lũ thanh niên trong buôn giờ lo chăm chú làm ăn không còn uống rượu quậy phá dân làng nữa. |