Tới thời điểm này, tình hình buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại vẫn diễn biến phức tạp. Hành vi, thủ đoạn và mức độ vi phạm của các đối tượng và tổ chức ngày càng lắm chiêu trò. Đây thực sự là thách thức lớn với các ngành chức năng. Đó là nhận định của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia tại buổi họp báo về tình hình, kết quả chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong 10 tháng đầu năm, tổ chức tại Hà Nội, ngày 11/11.
Cơ quan chức năng phát hiện và thu giữ hàng chục tấn thực phẩm chức năng giả.
2.000 container vô chủ
Ông Nguyễn Văn Cẩn, Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cho biết, trong 10 tháng, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến và địa bàn cả nước đã tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, với phương thức, thủ đoạn vi phạm ngày càng tinh vi, hoạt động thành các đường dây để buôn lậu, vận chuyển trái phép vào Việt Nam các loại hàng cấm, hàng có thuế xuất thuế tiêu thụ đặc biệt cao, hàng hóa yêu cầu phải có giấy cấp phép quản lý chuyên ngành, hàng hóa vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm…
Qua nắm bắt tình hình tuyến biên giới, cửa khẩu đường bộ khu vực phía Bắc và Bắc miền Trung nổi lên hoạt động buôn lậu ma túy, thuốc nổ, pháo, công cụ hỗ trợ, đồ chơi bạo lực, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, sản phẩm của gia cầm, nội tạng, thịt động vật, động vật quý hiếm…
Tuyến biên giới Nam miền Trung và Tây Nguyên là hoạt động buôn lậu gỗ, động vật, thực vật hoang dã. Tuyến biên giới Tây Nam là hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép thuốc lá điếu, đường cát.
Trên biển, khu vực biển Đông Bắc, Miền Trung và vùng biển Tây Nam nổi lên là buôn lậu xăng, dầu, than, quặng, gỗ… Tại các cảng biển quốc tế là hoạt động buôn lậu mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, điện tử, điện lạnh… Hàng không, là hoạt động buôn lậu ma túy, vũ khí, hàng kém chất lượng không rõ nguồn gốc.
Qua 10 tháng, các lực lượng chức năng đã bắt giữ và xử lý 168.939 vụ việc vi phạm (tăng 5,6% so với cùng kỳ 2014), thu nộp ngân sách, truy thu thuế là 10.120 tỷ đồng, khởi tố 1.066 vụ án hình sự.
Trong số này, có nhiều vụ đáng chú ý, nổi cộm, gây bức xúc dư luận như vụ vận chuyển 31,6 kg cocain trái phép từ Nam Mỹ về Việt Nam qua đường biển TP Hồ Chí Minh và hàng không TP Hà Nội.
Vụ vận chuyển trái phép 94 khẩu súng, 472 hộp tiếp đạn.
Vụ buôn lậu hàng nghìn tấn hàng hóa mỹ phẩm, thực phẩm chức năng tại TP Hồ Chí Minh.
Vụ bắt giữ 4.000 tấn than, 513.000 lít dầu DO, 212.076 lít dầu FO không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp… tại Quảng Ninh.
Vụ bắt giữ trên 200.000 bao thuốc lá Esse và Time Less tại Hải Phòng…
“Những con số trên vẫn là phần nổi của tảng băng chìm, cho thấy cuộc chiến với hàng lậu, hàng giả, gian lận thương mại không thể ngày một ngày hai, không thể hời hợt. Đối tượng hoạt động, ngày một tinh vi, với nhiều biến tướng. Chỉ con số 2.000 container vô chủ hoặc có chủ nhưng không đến nhận trên toàn quốc cho thấy mức độ nguy hại của tạm nhập tái xuất, một phần của hệ thống buôn lậu. Vừa qua, hải quan đã kiểm tra 204 container, bên trong là 6.000 tấn hàng trái phép, trị giá tới 100 tỷ đồng. Số container còn lại sẽ tiếp tục được xử lý”- ông Cẩn đưa ví dụ.
Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu địa phương
Theo Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, mặc dù Chính phủ đã có những chính sách mới nhằm ngăn chặn nạn buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại (như Thông tư liên tịch số 64 thay thế Thông tư 60 về chế độ hóa đơn, chứng từ đối với các hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường. Sắp tới là Ban hành Quyết định số 52, thay thế Quyết định 254 về quản lý hoạt động thương mại vùng biên – PV), song công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả sẽ có những chiều hướng phức tạp hơn, khi bên cạnh đối tượng buôn lậu, đã hình thành những nhóm lợi ích từ một bộ phận cơ quan quản lý địa phương, thậm chí Trung ương.
Phó Thủ tướng, Trưởng ban Chỉ đạo 389 Quốc gia Nguyễn Xuân Phúc đã đặc biệt nhấn mạnh “không có vùng cấm” trong cuộc chiến chống buôn lậu. Do vậy, trách nhiệm của người đứng đầu trong thời gian tới sẽ phải nâng lên tầm cao nhất.
Không có chuyện vì “phát triển kinh tế địa phương” mà tiếp tay cho buôn lậu. Chính vì vậy, trong thời gian tới, sẽ tiếp tục sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách phù hợp, tạo “địa bàn” rõ ràng cho từng ngành, đơn vị. Từ đó, sẽ thấy rõ, ai thực sự chống buôn lậu, ai còn lỏng lẻo, điều hành và quản lý, ai có dấu hiệu, hành vi tiếp tay cho buôn lậu.
Cũng tại cuộc họp báo, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cho biết, liên quan đến vụ phân bón giả của Công ty cổ phần sản xuất và thương mại Thuận Phong tại Đồng Nai, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo cơ quan điều tra của Bộ Công an điều tra làm rõ và có kết luận cụ thể ngay trong tháng 11 này. Đây là vụ việc phức tạp, nhiều ý kiến trái chiều. Dư luận, nhất là người nông dân, đang chờ câu trả lời.