Nhiều trâu bò đang chực chờ tại những bãi tập kết gần khu vực cửa khẩu nằm trên địa phận bản Tiền Tiêu, xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) để đưa về xuôi. Đây là địa bàn luôn nhức nhối với nạn buôn lậu trâu bò. Mặc dù đã có nhiều biện pháp ngăn chặn, xử lý của cơ quan chức năng, nhưng thực trạng này vẫn phức tạp.
Trâu bò vận chuyển từ Lào về được tập kết tại một bãi đất trống ở bản Tiền Tiêu.
Biến trâu lậu thành trâu địa phương
Cách cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn chừng 1km, tại bản Tiền Tiêu (xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn) có một bãi tập kết trâu bò rộng chừng 1.000m2 với số lượng trâu bò dao động từ 15-30 con, thậm chí có thời điểm lên tới 50-60 con. Đây là những con bò được chuyển từ Lào về qua đường tiểu ngạch. Giá của chúng cũng khá cao, dao động từ 15-40 triệu đồng/con. Đó là những thông tin chúng tôi thu thập được sau khi trò chuyện với V.B.Tr - một đầu nậu trâu bò tại khu vực này. Thậm chí, theo đối tượng này, cứ sang được đất ta thì trâu bò Lào sẽ được lo giấy tờ thành trâu bò địa phương, muốn bán đâu thì bán. Trong vai một người đi buôn trâu bò, chúng tôi tiếp cận dần với Tr. Tr. bảo: “Một tuần mình sẽ gom đủ hai xe, như thế là nhanh rồi đó, vì bên Lào giờ trâu bò cũng ít rồi”. Chúng tôi thắc mắc về giấy tờ, Tr. xua đi và khẳng định: “Giấy tờ mình lo cho, nếu không lo thì mình cũng không làm ăn được. Khi trâu bò được dắt về đến đây, bản làm xong, sẽ lên xã ký giấy tờ thành trâu bò địa phương, sau đó anh em đưa đi thoải mái”.
Và cứ thế, hàng trăm con trâu bò được vận chuyển từ Lào về qua nhiều cách khác nhau và được hợp thức hóa bán ra thị trường. Theo người dân ở đây, việc trâu bò từ Lào đưa về đây bán so với những năm trước không nhộn nhịp, nhưng dẫu sao vẫn là cái nghề dễ kiếm tiền nhất. Theo chị H.Y.L (người dân bản Tiền Tiêu) nhà sát cạnh bãi trâu bò cho biết: “Trâu bò ở Lào về cả bãi đấy, toàn trâu bò Lào, mua số lượng lớn cũng có. Trưởng bản ở đây cũng đi mua trâu bò bên Lào về bán nữa mà”. Điều đáng nói ở đây, đều không có khái niệm kiểm dịch, kiểm tra về y tế đối với số trâu bò này. Liệu rằng, khi mang về xuôi, ra thị trường số trâu bò lậu này có đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng?
Theo tìm hiểu của chúng tôi, xã Nậm Cắn là địa phương bị dư luận phản ánh về tình trạng buôn trâu bò lậu trong nhiều năm liền. Những năm trước, nghề này còn được lãnh đạo xã bao che, thậm chí tiếp tay để hợp thức hóa trâu bò lậu thành trâu bò địa phương bằng những chứng từ khống. Hiện nay, mặc dù đã giảm nhưng vẫn còn “âm ỉ” phương thức này, dẫu rằng không ai công nhận.
Cơ quan chức năng...có biết?
Đem những thắc mắc này trao đổi với ông Trần Khắc Chiến – Phó Chi cục Hải quan cửa khẩu Nậm Cắn, ông cho biết: “Vấn đề buôn lậu trâu bò thì cửa khẩu này không bao giờ qua được, nó đi ở đâu chứ đây thì không. Còn việc trâu bò lậu vẫn vào được là do chính quyền địa phương. Thậm chí, trong kế hoạch chỉ đạo chống buôn lậu gia súc gia cầm chúng tôi có cả, tại cửa khẩu không bắt xử lý được vụ việc nào”.
Còn theo ông Hờ Chống Nhìa – Chủ tịch UBND xã Nậm Cắn thì cho rằng: “Nạn buôn lậu trâu bò này là có, nhưng so với trước thì giờ ít hơn, cũng rải rác chứ chưa đến nỗi phải quan tâm”. Khi được hỏi, các đầu nậu trâu bò cho rằng khi trâu bò lậu về đến địa phương thì được chính quyền bản và thậm chí là xã hợp thức hóa giấy tờ để thành trâu bò địa phương, ông Nhìa thừa nhận: “Trước đây thì có, nhưng giờ xã không làm điều đó nữa. Nhưng khổ một nỗi, dân họ nói nếu xã không làm họ cũng bán”. Nói là vậy, như ông Nhìa vẫn thừa nhận việc trâu bò khó kiểm soát sẽ ảnh hưởng đến dịch bệnh cho đàn gia súc của xã.
Vậy là, cơ quan quản lý thì bảo không phát hiện ra, chính quyền xã thì bị thách thức dẫn đến tình trạng trâu bò lậu tại cửa khẩu biên giới Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) vẫn còn đất sống. Liệu rằng, thực trạng này bao giờ chấm dứt? Câu trả lời này để dành cho các ngành chức năng của tỉnh Nghệ An.