Tưởng như điện ảnh Việt Nam sẽ tạo ra một “cú hích” lớn trong dịp đầu năm với loạt bộ phim được đưa ra rạp. Thế nhưng, “niềm vui ngắn chẳng tày gang” mới đây nhiều đoàn làm phim đã thông báo lỗ, thậm chí phải ngừng chiếu.
Chọn sai thời điểm
Theo số liệu thống kê, chỉ trong 2 tháng cuối năm 2020 và đầu năm 2021 điện ảnh Việt Nam đã có hơn 10 bộ phim ra rạp. Đây có lẽ là số kỷ lục của điện ảnh Việt Nam khi trước đó trung bình mỗi năm Việt Nam chỉ có gần 40 phim ra rạp. “Cú hích” này có được ngoài việc các nhà sản xuất “chịu chi” cho cho các sản phẩm điện ảnh mà còn bởi không phải cạnh tranh với các sản phẩm “bom tấn” của nước ngoài do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Dù cuộc cạnh tranh mang tính nội bộ nhưng không phải bộ phim nào khi ra rạp cũng tạo được cơn sốt phòng vé với doanh thu như mong muốn. Mới đây, chỉ sau 6 ngày công chiếu bộ phim “Võ sinh đại chiến” đã thông báo sẽ ngừng chiếu. Mặc dù được phần đông khán giả đánh giá tích cực, bộ phim vẫn chỉ có thể mang về khoảng 1,4 tỷ đồng. Đây là con số quá thấp so với 25 tỷ đầu tư của nhà sản xuất trước đó.
Theo đạo diễn bộ phim “Võ sinh đại chiến” Bá Cường chia sẻ, anh bị sang chấn tâm lý khi phim lỗ nặng vì đầu tư nhiều, tốn thời gian 5 năm nhưng kết quả lại không như kỳ vọng. Phim chỉ được bố trí 2 - 3 suất chiếu mỗi ngày, lại rơi vào các khung giờ ít người xem như 8h30, 12h30, 23h30...
Sau khi nêu ý kiến với nhà phát hành phim Galaxy, ê kíp nhận được phản hồi “Võ sinh đại chiến” là tác phẩm mới cả về đạo diễn lẫn dàn diễn viên, đồng thời là dự án độc lập nên không được ưu tiên. Ngoài ra, suốt 3 ngày lễ, phim không thu hút được khán giả nên không thể nâng số suất chiếu cũng như không thể chuyển vào khung giờ đẹp. Mà ít suất chiếu, khung giờ bất lợi thì khán giả muốn xem cũng rất khó. Chính vòng luẩn quẩn này dẫn đến doanh thu thấp. Điều này buộc nhà sản xuất phải rút phim, chờ cơ hội phát hành tốt hơn.
Không chỉ “Võ sinh đại chiến”, bộ phim “Người cần quên phải nhớ” của nhà sản xuất Charlie Nguyễn cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự khi doanh thu chỉ đạt 1,9 tỷ đồng so với 25 tỷ tiền đầu tư. Cùng cảnh ngộ, nhiều bộ phim cũng rơi vào tình trạng “thu chưa bù nổi chi” như “Trái tim quái vật” doanh thu 12 tỷ, “Sài gòn trong cơn mưa” 3 tỷ, “Chồng người ta” chỉ thu được 4,5 tỷ và còn được xếp vào mục phim “thảm hoạ”, “Bí mật của gió” xếp gần “đội sổ” với doanh thu 2 tỷ.
Lý giải, về việc thất thu này các nhà sản xuất đều chung một ý kiến cho rằng bộ phim của mình bị chèn ép, hạn chế các suất chiếu và chiếu vào nhưng khung giờ “xấu”. Nhưng công bằng mà nói việc thất thu của một số bộ phim là điều đã được dự báo trước. Bởi thực tế các bộ phim khi ra rạp cũng như những “món hàng” ngoài chợ, việc được giá hay mất giá là phụ thuộc vào chính khán giả. Không những vậy, với sự “đổ bộ” ồ ạt của phim Việt trong thời gian qua không phải tác phẩm nào cũng đánh đúng và trúng tâm lý của khán giả.
Thậm chí, theo nhiều chuyên gia điện ảnh việc chọn ra mắt phim khoảng thời gian này là sai thời điểm. Bởi hầu hết khán giả đến xem phim là những người trẻ mà đây lại là thời điểm thi học kỳ của các trường, tổng kết của các đơn vị, cơ quan. Gần như các suất chiếu ban ngày thu hút rất ít người xem. Ngay chính nhà sản xuất Charlie Nguyễn cũng phải thừa nhận, khi làm phim, tôi chỉ quan tâm tác phẩm được khán giả đón nhận hay không. Đây là cuộc chơi, đã vào cuộc phải gánh chịu tất cả, không thể xin khán giả mua vé...
Nhà phát hành có chèn ép?
Thực tế cho thấy tranh cãi về sự chèn ép của nhà phát hành với các bộ phim Việt không phải là câu chuyện mới. Thống kê thị phần rạp chiếu phim của Việt Nam hiện tại chủ yếu do các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thống lĩnh. Tính theo số phòng chiếu hiện đang hoạt động, CGV đang nắm 43%, Lotte 20%, Galaxy 9%, BHD 6%, Platinum 1%, Trung tâm chiếu phim quốc gia 2% và các đơn vị còn lại 19%. Với việc doanh thu được đặt lên hàng đầu, nên hiện nay các nhà phát hành, rạp chiếu phim hiện nay là những người quyết định cung cấp phim gì cho khán giả xem.
Bên cạnh đó, theo Luật Doanh nghiệp, Luật Điện ảnh, Luật Cạnh tranh đều không có quy định cụ thể về việc ăn chia khi phát hành phim, vì vậy doanh thu của mỗi bộ phim dựa vào sự thoả thuận giữa nhà phát hành và nhà sản xuất. Chính từ thực tế trên, việc “thành hay bại” của mỗi bộ phim đều phải nhờ vào tài của nhà sản xuất. Đơn cử, như “Võ sinh đại chiến” dù không bị xếp vào vào hàng phim “thảm hoạ” nhưng việc quảng bá bộ phim là khá mờ nhạt. Trailer và poster của bộ phim không tạo được sự thu hút. Các thông điệp quảng bá của bộ phim đưa ra cũng không gây được ấn tượng mạnh, đủ để hấp dẫn người xem.
Kết hợp với việc không sở hữu những gương mặt “hot” của làng điện ảnh dẫn đến bộ phim không tạo được niềm tin cho cả nhà rạp lẫn khán giả. Trong khi đó các rạp chiếu phim tuy cùng hệ thống với nhà phát hành, nhưng đều có áp lực chỉ tiêu riêng nên thường lựa chọn đầu phim an toàn, có khả năng lấp đầy phòng cao để sắp xếp suất chiếu tốt. Sau một vài ngày đầu, nếu phim không tạo được dấu ấn, các suất chiếu sẽ tiếp tục giảm xuống.
Nhìn chung, với sự phát triển của ngành điện ảnh Việt, giờ đây việc làm phim không còn là câu chuyện đam mê mà còn phải biết nắm bắt tâm lý, thị hiếu của khán giả. Đặc biệt, với thời đại kỹ thuật số phát triển, “mang rạp chiếu phim về tận nhà” khán giả đang có nhiều sự lựa chọn về giải trí thì làm phim giờ đây là một “canh bạc” thực sự.
Ở đó, với những nhà làm phim thương mại ngoài việc làm ra một tác phẩm chất lượng còn cần phải đầu tư về quảng bá, truyền thông, xây dựng thương hiệu cho tác phẩm. Bởi nếu không có sự đầu tư cần và đủ đó bộ phim sớm bị loại khỏi “đường đua” vốn khắc nghiệt của “cuộc chiến phim ra rạp”.