Sau 14 ngày rực sáng trên sân khấu Trung tâm Hội nghị tỉnh Bắc Giang, Liên hoan Chèo toàn quốc 2019 đã chính thức khép lại với những niềm vui và cả nỗi buồn.
Cảnh trong vở “Công lý không gục ngã”.
Điều ghi nhận lớn nhất trong suốt 14 ngày qua tại sân khấu Trung tâm Hội nghị tỉnh Bắc Giang với một Liên hoan sân khấu truyền thống là hàng ghế khán giả luôn luôn đông kín. Nhiều nghệ sĩ đã phải thốt lên rằng, chèo đang quay trở lại thời kỳ vàng son như những năm 90 của thế kỷ trước khi mà người dân phải xếp hàng, thậm chí đi thật sớm may ra mới “chiếm” được 1 chỗ đứng để xem chèo!
Bản than Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật của Liên hoan - PGS.TS Trần Trí Trắc cũng bày tỏ, những ngày qua, khán giả đã đến với nghệ sĩ rất đông, khán phòng không còn chỗ đứng, chỗ ngồi. Có người đi xa tới hàng vài chục cây số, phải mang theo cơm nắm, bánh mì để giữ chỗ… Nghệ sĩ đã hòa mình vào khán giả làm cho Liên hoan được thăng hoa trong cảm xúc nồng nhiệt qua tiếng cười, tiếng vỗ tay cùng lời khen hồn nhiên và những giọt nước mắt cảm động vô tư.
Nhìn nhận về chất lượng các tác phẩm tham dự Liên hoan, PGS.TS Trần Trí Trắc cho biết, thông qua 26 tác phẩm, tuy chủ yếu là đề tài quá khứ (24/26 vở) và mỗi vở có chủ đề, phong cách, màu sắc khác nhau nhưng đều đề cập tới những nội dung có liên quan tới hiện thực, mang hơi thở của cuộc sống hôm nay với bao tình cảm vui buồn nóng bỏng, nổi cộm, bức xúc của nghệ sĩ chúng ta trước những hành xử của cơ chế thị trường…
Tuy nhiên, đằng sau tín hiệu đáng mừng thì vẫn còn đó những nỗi buồn. Chính những thành viên trong BGK Liên hoan cũng phải thừa nhận, nghệ sĩ thuật Chèo vẫn đang đi theo “lối mòn” xưa cũ. 26 tác phẩm tham dự Liên hoan rất hiếm có “tích hay, trò lạ” làm say lòng, ngỡ ngàng khán giả mà hầu hết đều mang xu hướng “hoài cổ”, đi tìm đề tài quá khứ và sử dụng những tác phẩm ở thời quá khứ.
Đội ngũ tác giả trẻ đã xuất hiện nhưng chưa đông, chưa mạnh và bản lĩnh nghề nghiệp chưa cao ngang tầm đòi hỏi của khán giả. Không ít vở kết cấu thiếu logic ở lớp dài, lớp ngắn, lớp thừa, lớp thiếu; mở đầu thắt nút ở tuyến này, cởi nút lại chạy sang tuyến khác; có vở diễn hết cảnh 2 rồi mà người xem không biết tên nhân vật là gì; tính văn chương ở một số vở còn hạn chế, chưa được chau chuốt công phu, nếu không gọi là tục tằn, thô thiển…
Các đạo diễn còn lúng túng và rơi vào tình trạng mâu thuẫn trong xử lý giữa tả ý với tả chân; giữa ước lệ, cách điệu, tượng trưng với sinh hoạt tả thực; giữa kịch nói với chèo truyền thống đã tạo ra những hình thức: hát cải biên, hát vocal, hát bè, hát đuổi rồi múa hiện đại và khói mù mịt lẫn sấm, chớp cùng nhiều trang trí tả thật như đời thực… “Về nghệ sĩ biểu diễn, không ít diễn viên còn hát chênh, non, phô, chệch nhịp, quên lời, rơi đạo cụ, quên đạo cụ ở sàn diễn mà không biết xử lý phù hợp, hoặc hát không bật mic hay gây tiếng rú, tiếng lạo xạo làm nhòe lời…rất nghiệp dư”- PGS. TS Trần Trí Trắc bình luận.
Dù sao, Liên hoan đã khép lại. BTC đã trao 5 Huy chương Vàng cho các vở diễn “Điều còn lại” (Nhà hát Chèo Hà Nội), “Công lý không gục ngã” (Nhà hát Chèo Quân đội), “Trọn nghĩa non sông” (Nhà hát Chèo tỉnh Thái Bình), “Chuyện tình Hàn Sĩ - Đào Nương” (Nhà hát Chèo Hải Dương), “Người con gái Kinh Bắc” (Nhà hát Chèo tỉnh Bắc Giang). Ngoài ra, BTC còn trao 6 Huy chương Bạc cho các tập thể và 41 Huy chương vàng, 61 Huy chương bạc cho các cá nhân. Bên cạnh đó là 1 giải xuất sắc về đề tài lịch sử; 1 giải xuất sắc về đề tài dân gian; 1 giải về đề tài chống tiêu cự; 1 giải về đề tài bảo vệ môi trường; 1 giải về đề tài truyền thuyết…