Nhiều người nói rằng, người dân chỉ cần mua xe cát, đổ vài viên gạch là lập tức thanh tra xây dựng, cán bộ phường đã biết và đến “hỏi thăm”. Vậy thì lý do gì nhiều ngôi nhà “to đùng” xây không phép mà chính quyền sở tại lại không biết?
Chủ tịch UBND TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) vừa ký quyết định tạm đình chỉ công tác 15 ngày đối với Chủ tịch UBND phường An Hòa Phan Thanh Sắc, vì để nhiều ngôi nhà mọc lên trái phép trên đất nông nghiệp.
Đáng nói, 35 ngôi nhà liền kề trên đất nông nghiệp mà người dân xây trái phép lại chỉ cách trụ sở phường An Hòa có... 500 m. Việc tạm đình chỉ công tác ông Sắc là để kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm trong sự việc trên.
Dư luận xã hội đặt câu hỏi: Có hay không việc nhấm nháy tiêu cực của lãnh đạo UBND phường An Hòa khi để 35 ngôi nhà liền kề mọc lên trên đất nông nghiệp? Lãnh đạo phường An Hòa không thể nói là không biết hàng chục ngôi nhà xây không phép, bởi chúng mọc lên ngay sát nách trụ sở phường. Vấn đề ở đây chỉ là liệu lãnh đạo phường An Hòa có nhận “lót tay” để làm ngơ cho công trình xây trái phép hay không mà thôi.
Trường hợp này có thể nói là quá “thô”, quá lộ liễu, bởi hàng chục ngôi nhà liền kề mọc lên trên đất nông nghiệp lại ở ngay “trước mũi” UBND phường. Nếu “kín đáo” một chút, những ngôi nhà xây dựng trái phép ở xa một chút, có lẽ lãnh đạo UBND phường An Hòa đã có thể vin ra hàng tỷ lý do để bao biện: Bận nhiều việc quá không quán xuyến hết được, anh em không báo cáo... Và tất nhiên, cuối cùng là xin “rút kinh nghiệm sâu sắc”.
Nói như vậy không phải là “vẽ đường cho hươu chạy”, bởi với nhiều cán bộ phường (xã, thị trấn) ở nhiều địa phương thì chẳng cần “vẽ” họ cũng đã chuẩn bị hàng tá lối thoát khi bị “sờ gáy”. Nêu ra như vậy chỉ là để chứng minh rằng, cái sự “liều lĩnh” của lãnh đạo UBND phường An Hòa là rất lớn, lá gan không hề nhỏ chút nào. Bởi, ngay cả khi không chứng minh được có tiêu cực thì cũng cho thấy ở đó có sự buông lỏng quản lý.
Còn nếu cơ quan chức năng chứng minh được có sự nhấm nháy, chung chi để người dân mặc sức xây nhà liền kề trái phép trên đất nông nghiệp, rất có thể những cán bộ có liên quan sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Với mỗi ngôi nhà mọc lên trái phép như vậy thì nhận được bao nhiêu tiền, để rồi mất hết uy tín, danh dự, sự nghiệp chính trị phấn đấu cả đời tan thành mây khói, có đáng không?
Giờ còn quá sớm để có thể đưa ra kết luận, lãnh đạo UBND phường An Hòa thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý trật tự xây dựng, hay có sự nhấm nháy tiêu cực. Mọi việc phải chờ kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng TP Biên Hòa, Đồng Nai. Song, dẫu có là buông lỏng quản lý hay nhấm nháy tiêu cực thì cũng là hành vi vi phạm, chỉ có điều là xử lý hành chính, cách chức, hay xử lý hình sự mà thôi.
Đáng tiếc, trường hợp hàng chục ngôi nhà liền kề mọc lên trái phép trên đất nông nghiệp ở phường An Hòa lại không phải là cá biệt. Rất nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước vẫn diễn ra thực trạng buông lỏng quản lý, thậm chí nhận hối lộ để nhắm mắt làm ngơ cho những ngôi nhà không phép, sai phép ngang nhiên mọc lên. Song, hầu như những cán bộ liên quan chỉ bị xử lý kỷ luật “phủi bụi” bằng cách luân chuyển, rút sợi dây kinh nghiệm.
Đó là lý do vì sao ở những thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vẫn liên tiếp diễn ra thực trạng xây dựng không phép, sai phép. Có thể đơn cử ngay trường hợp ngôi nhà xây sai phép ở số 8B Lê Trực (quận Ba Đình, Hà Nội). Một ngôi nhà “to vật vã” xây sai phép đến hàng chục mét chiều cao, hàng nghìn m2 sàn xây dựng, nhưng cả phường và quận đều “không biết gì”, cứ để nó hồn nhiên mọc lên.
Hậu quả là các cơ quan, ban, ngành của Hà Nội và cả của Trung ương phải chạy đôn chạy đáo để xử lý vi phạm. Hơn hai năm với hàng chục cuộc họp bàn của nhiều cơ quan, đơn vị có trách nhiệm, thậm chí Thủ tướng Chính phủ phải vài lần yêu cầu xử lý dứt điểm, tới nay tòa nhà 8B Lê Trực vẫn chỉ khắc phục được một phần, phần sai phép còn lại đang xin được cho cơ chế để giữ lại, với lý do để “đảm bảo an toàn” cho công trình.
Vậy là với các công trình xây dựng không phép, sai phép (do buông lỏng quản lý hoặc chung chi), chỉ một số cá nhân hưởng lợi, trong khi cả một hệ thống nhiều cơ quan, ban, ngành phải giải quyết hậu quả. Với những ngôi nhà nhỏ còn dễ xử lý, nhưng với các công trình đồ sộ như tòa nhà 8B Lê Trực, sẽ tốn kém rất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc của các cơ quan quản lý nhà nước.
Dư luận cho rằng, đã đến lúc cần siết chặt quản lý, dùng “bàn tay thép” để chấn chỉnh hiện tượng buông lỏng quản lý trật tự xây dựng, nhấm nháy tiêu cực, nhận lót tay để mặc cho các công trình xây dựng không phép, sai phép đua nhau mọc lên. Vấn nạn trên chỉ có thể chấm dứt khi và chỉ khi những người có liên quan bị xử lý nghiêm khắc, cách chức, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự. Có vậy, kỷ cương phép nước mới nghiêm.