Burkina Faso là một quốc gia nằm ở Tây Phi. Tên gọi của quốc gia có nghĩa là “Đất những người đứng lên” trong tiếng Moré và Dioula- ngôn ngữ dân tộc chính của đất nước. Phần lớn đất nước này được bao bọc bởi một bình nguyên và những ngọn đồi. Người ta còn biết đến Burkina Faso với những dãy núi cát hết sức độc đáo.
Burkina Faso
Trước kia, Burkina Faso có tên là Thượng Volta, bởi lẽ nó có 3 dòng sông lớn chảy qua là Voilta đen, Volta trắng và Volta đỏ. 3 dòng sông này là niềm tự hào của đất nước, đồng thời cũng là những khu vực trù phú bậc nhất của Burkiana Faso. Dọc theo hai bên những dòng sông, các làng mạc mọc lên, cùng đó là những thị trấn yên bình mang vẻ đẹp thơ mộng.
Giếng nước Sala
Chính những dòng sông ấy ở những đoạn ngơi nghỉ đã tạo ra những con hồ khá lớn, như hồ Tingrela, Bam, Dem, Oursi, Béli, Yomboli và Markoye. Do đó, cho dù là nước vùng xích đạo nhưng Burkina Faso không bao giờ thiếu nguồn nước ngọt. Vì vậy, đất đai của đất nước này mỡ màng hơn hẳn so với các quốc gia trong khu vực. Tuy nhiên, phía Bắc của quốc gia lại là vùng đất khô cằn, thiếu nước triền miên.
Đây là đất nước có hai mùa rõ rệt trong năm. Mùa mưa là những cơn mưa dữ dội, kéo dài, lượng mưa trung bình từ 600 đến 900 mm. Nhưng vào mùa khô, những trận gió Harmattan từ Sahara thổi tới như nung con người cũng như cảnh vật. Có những ngày nhiệt độ ngoài trời lên tới 55°C.
Bức tường còn sót lại của phế tích Loropeni
Vùng đông dân nhất là phía nam đất nước. Đây cũng là nơi những biểu hiện văn hóa bản địa của Burkina Faso bộc lộ rõ nhất. Nơi đây, lễ hội quanh năm ở các thôn làng, thị trấn. Tại các thành phố, lễ hội ít hơn nhưng đã tổ chức thì lại rất rầm rộ.
Những đứa trẻ Burkina Faso
Trong lễ hội, hai yếu tố nổi bật chính là mặt nạ và khiêu vũ. Người ta coi đó là “chìa khóa của văn hóa Burkina Faso”. Hệ thống mặt nạ rất phong phú, được làm từ gỗ hoặc giấy bồi, đôi khi là vẽ trực tiếp lên mặt và cơ thể. Hầu hết trong số đó xuất phát từ niềm tin tín ngưỡng với các vị thần. Đó là những vị thần núi, thần sông, thần mặt trời, thần mặt trăng hay là thần rừng. Trong các lễ hội, người ta đeo mặt nạ để thể hiện mình trong vị trí những vị thần.
Tuy nhiên, loại mặt nạ thứ hai lại thiên về tinh thần hồn nhiên. Họ đeo mặt nạ để đùa vui với nhau, tạo ra sự vui vẻ nhằm xua tan những nỗi khổ trong cuộc sống thường ngày.
Cùng với mặt nạ là khiêu vũ. Cho tới nay, các điệu dân vũ vẫn được người Burkina Faso thích thú, tuy nhiên nó cũng đã biến đổi trở thành những “phiên bản dân gian”, bởi lẽ đã có sự ảnh hưởng nhất định của những vũ điệu hiện đại, nhất là những vũ điệu đến từ Trung Mỹ và Tây Ban Nha. Người Burkina Faso vốn thường ngày cần cù trên cánh đồng hay trong những tiệm tạp hóa, thì họ bỗng nhiên lột xác khi vào các lễ hội.
Đến Burkina Faso, người ta được nghe nói tới nhiều về Nhà hát quần chúng tại thủ đô Ouagadougou. Nó còn được coi là “một trong những trục bánh xe của châu Phi”, được hiểu như yếu tố quan trọng trong sự vận hành của văn hóa. Tại đây, có hệ thống rạp chiếu phim mang tính liên hoàn, trình chiếu gần như đồng thời với Hollyood những bộ phim mới. Trong quần thể Nhà hát quần chúng này, xa hơn một chút tại Laongo, là nơi các nhà điêu khắc toàn thế giới có thể đến để tác trên những phiến đá hoa cương. Chính vì thế, nơi đây đã hình thành một vườn tượng đá được coi là đa dạng nhất thế giới.
Trở lại với Nhà hát quần chúng, nó được hình thành từ ý tưởng của một nhà làm phim người Đức, đạo diễn Christoph Schlingensief. Ông tin rằng công trình này không chỉ đem đến niềm vui tinh thần cho người dân mà còn có giá trị thương mại. Năm 2010, ở tuổi 49, Christoph Schlingensief đã tìm đến Công ty kiến trúc Kéré Architecture tại Berlin. Họ đã cùng nhau làm nên công tình đặc biệt này tại Burkina Faso. Khi Francis Kéré nghe C.Schlingensief trình bày ý tưởng, kiến trúc sư Francis đã nghĩ ngay tới sự điên rồ. Để thuyết phục, C.Schlingensief đã nói rằng, một dự án nghệ thuật như vậy sẽ đánh thức ý thức về bản sắc văn hóa của người Burkina Faso.
Francis đã tới Burkina Faso để tìm kiếm ý tưởng thông qua một chuyến du lịch. Lần đó, Francis đã gặp một trận lũ. Trong khi đợi lũ rút, ông đã xác định được địa điểm để triển khai dự án tại Thủ đô Ouagadougou. Dự án Nhà hát quần chúng được hình thành trên vùng đất bị lũ lụt tàn phá. Tại đây có khu vực dành cho lễ hội, hệ thống rạp chiếu phim, một ngôi trường dành cho 500 đứa trẻ, nhà nghỉ cho khách du lịch, trung tâm y tế...
Nhà hát quần chúng được xây dựng tại khu đất rộng 12 ha, với địa hình cao ở Laongo, mất khoảng một giờ lái xe ôtô từ thủ đô của Burkina Faso.
Phối cảnh trung tâm Nhà hát quần chúng
Đến Burkina Faso, người ta còn không khỏi ngạc nhiên về khu phế tích Loropeni ẩn chứa nhiều bí ẩn của lục địa đen. Khu phế tích có diện tích 11.130 mét vuông, hiện còn sót lại nhiều bức tường bằng đá tổ ong cao đến 6 mét, rác rác quanh đó là những pháo đài đồ sộ. Loropeni là một khu định cư cổ, được xây dựng bởi các dân cư thuộc sắc tộc Lohron hoặc Koulango. Không xác định được rõ ràng niên đại, nhưng đây chính là một trong những điểm nhấn quan trọng trong tuyến đường buôn bán xuyên sa mạc Sahara. 10 pháo đài cùng gần 100 bức tường đá cho thấy, nơi đây từng một thời hưng thịnh. Năm 2009, khu phế tích Loropeni trở thành địa điểm đầu tiên của Burkina Faso được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.