Nhiều hộ nông dân đã phát triển đàn cá chép giòn, thu được nhiều lợi nhuận so với việc nuôi một số loại cá khác.
Cá chép giòn là món ăn “khoái khẩu”, được nhiều người ưa thích, vì thế giá cá khá cao so với cá chép thông thường, và cũng được nhiều bà nội trợ chọn mua cho bữa ăn gia đình. Vì thế, tới nay nhiều hộ nông dân đã phát triển đàn cá chép giòn, thu được nhiều lợi nhuận so với việc nuôi một số loại cá khác.
Cá chép giòn có nguồn gốc từ Nga, thịt của nó giòn ngọt gần như thịt tôm, có độ dai và độ giòn khó tả. Thịt cá chép giòn thơm ngon, béo, đậm đà, săn chắc, lớp da giòn sần sật. Cá ít tanh, hầu như không có mỡ nên cùng với các kiểu chế biến khác nhau thì cũng còn được trộn gỏi khá ngon.
Bề ngoài cá chép giòn không khác gì cá chép ta, tuy màu sắc có phần nhạt hơn, mình thon dài hơn cá chép thường. Thức ăn của cá chép giòn thường là những loài thực vật, đậu tằm hay thức ăn cho cá nên giúp thịt cá săn chắc, dai, thơm và có tính hiền.
Nuôi cá chép giòn không khó như nhiều người nghĩ. Chỉ từ 4 đến 5 tháng là có thể thu hoạch nếu lứa cá đó được cho ăn một loại thức ăn riêng là hạt đậu tằm (còn gọi là đậu ván đỏ, đậu răng ngựa), và con giống chừng 0,8kg. Loại thức ăn này giúp cho da thịt cá trở nên săn chắc và khi ăn có độ giòn, hương vị đặc biệt.
Sau đây, xin được giới thiệu cùng bà con một số bước quy trình kỹ thuật nuôi cá chép giòn mang lại hiệu quả cao nhất.
- Chuẩn bị ao, lồng nuôi: Ao, lồng nuôi nên bố trí ở những nơi có nguồn nước trong, sạch, không có nguồn nước thải công nghiệp, nông nghiệp, sinh hoạt chảy vào. Diện tích ao nuôi tùy thuộc vào số lượng cá thả, nhưng đáy ao phải được cải tạo, san bằng, nghiêng về cống thoát nước. Độ sâu của ao lớn hơn 2 mét, trong đó tối thiểu là 1,5 mét nước. Nuôi cá chép giòn trong ao yêu cầu có thiết bị phụ trợ tạo dòng chảy, có thể dùng máy bơm hoặc bố trí quạt nước. Đây là yêu cầu quan trọng kích thích cá thường xuyên bơi lội, hoạt động để cho thịt cá nhanh giòn hơn.
- Đối với nuôi lồng: Nếu lồng cá có diện tích lớn thì phải chọn những nơi có độ sâu 3,5 - 4 m. Lồng được đặt nổi và neo cố định tại một vị trí thuận lợi trên sông, có dòng nước chảy liên tục, mực nước sông tương đối điều hoà và phải cao hơn chiều cao ngập nước của lồng từ 0,3 - 0,5 m.
Lưu ý: Trước khi tiến hành các thao tác như vận chuyển đến ao, lồng nuôi mới hoặc san thưa, cần tiến hành ép cá bằng phương pháp cho cá nhịn ăn khoảng 1 ngày. Chuyển cá vào lúc trời mát, sáng sớm hoặc chiều tối. Cá giống phải là những con có vây, vảy hoàn chỉnh, không xây xát, không mất nhớt, cỡ cá đồng đều. Trạng thái hoạt động linh hoạt, bơi lội nhanh nhẹn, bơi chìm trong nước theo đàn; không có dấu hiệu bệnh.
Cá chép giòn nuôi khoảng 9 tháng khi đạt trên dưới 1 kg. Lúc này người nuôi có thể bán thành cá giống để vỗ béo bằng đậu tằm; cũng có thể bán để làm thực phẩm nhưng lúc đó cá chưa giòn.
- Cách chế biến thức ăn: Trước khi tiến hành cho cá ăn, người nuôi phải ngâm hạt đậu tằm với nước từ 12-24 giờ (tùy theo nhiệt độ không khí), những hạt to phải cắt ra làm đôi. Sau đó đãi thật sạch và trộn với 1-2% muối, để trong thời gian 10 -15 phút rồi mới bắt đầu cho ăn.
Nên luyện cho cá chép ăn đậu tằm bằng cách bỏ đói, không cho cá ăn gì trong vòng 5 ngày, sau đó bắt đầu cho cá ăn đậu tằm. Thường thì người nuôi cho cá ăn vào lúc chiều chuyển mát, vì đây là thời gian thích hợp để cá hấp thu thức ăn. Hạt đậu tằm sẽ có xu hướng chìm nhanh, vì vậy khi cho cá ăn chỉ cần rải từng ít một để tránh lãng phí thức ăn, và cho cá ăn tùy vào nhu cầu ăn của cá hàng ngày.
Cần kiểm tra cá trong ao, lồng nếu thịt cá đạt độ giòn nhất định thì tiến hành thu hoạch. Trước khi thu hoạch 1 ngày cho cá nhịn ăn.