Trong các món ăn của đồng bào K’Ho ở Lâm Đồng, người ta thường nhớ nhiều đến món đến món cà đắng nấu da trâu - một món ăn kết hợp toàn những thứ gia vị có sẵn trong tự nhiên cùng với kinh nghiệm chế biến tinh tế của đồng bào K’ho nên vô cùng thơm ngon, bổ dưỡng, đậm chất Tây Nguyên.
Quả cà đắng.
Theo lời người dân xã Tu Tra, huyện Đơn Dương thì do sống giữa núi rừng khí hậu khắc nghiệt nên người K’Ho rất chú trọng đến các gia vị bổ trợ mang tính cay, nóng như ớt (mré), gừng (ca), riềng (ca yòng)...và các món ăn chế biến từ sản vật của rừng như lá bép hầm thịt trâu, lá bép nấu cá trê đều có vị ngọt, thanh và mát. Và đặc biệt hơn là thay bằng mỳ chính, bà con K’Ho có một thứ gia vị rất lạ, đó chính là lá tờ lao nhao, chỉ cần vài lá thôi cũng đủ làm cho nồi canh ngọt lịm.
Thế nhưng điển hình của sự kết hợp các loại gia vị phải kể đến món cà đắng nấu da trâu. Cà đắng là một loại cà quả nhỏ, quả màu xanh với những sọc trắng dọc thân quả, trước đây mọc rất nhiều ở trong rừng. Cà đắng có thể chế biến được nhiều món ăn như cà đắng om ếch, cà đắng dầm ớt, cà đắng om lươn, cà muối xổi…nhưng đặc biệt nhất vẫn là món cà đắng nấu với da trâu.
Theo lời ông Ya Ga, thôn Ma Đanh, xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, thì món ăn này đã có từ rất lâu đời, mới nghe qua thì tưởng dễ chế biến nhưng nếu làm không đúng cách không thể ăn được, da trâu sẽ dai, còn cà thì nát.
Theo kinh nghiệm của ông Ya Ga, quả cà chọn nấu với da trâu phải là quả ương ương, không quá già hoặc quá non. Da trâu cũng phải là trâu từ 10 năm nấu mới ngon. Da trâu sau khi phơi khô và cạo sạch lông, dùng vật nặng đập cho nứt để ngấm gia vị, thái từng miếng nhỏ vuông, cho vào nồi nêm nước rồi đun lên.
Món cà đắng nấu da trâu.
Quá trình đun phải giữ lửa không quá to cũng không quá nhỏ để nồi luôn sôi liu riu. Cứ độ 15, 20 phút lại thay nước một lần cho đến khi nước trong thì mới cho cà đắng nguyên trái vào và đun tiếp cho đến khi cà đắng và da trâu đều chín nhừ thì mới bắt đầu nêm bột ngọt, muối, ớt xanh, lá lốt rồi bắc ra.
Mở vung ra, ngồi canh nghi ngút, thơm lừng. Nếm thử thấy vị cay xé lưỡi của ớt, chút đăng đắng của cà, béo ngậy, thơm mềm của da trâu tạo nên một mùi vị rất riêng, mang đậm hương vị của núi rừng. Món ăn này không chỉ thơm ngon mà còn rất bổ dưỡng vì thế nên bà con người K’Ho thường làm vào sáng sớm rồi mang lên rẫy để ăn với cơm buổi trưa.
Theo lời của bà con K’Ho món ăn này có thể giúp cơ thể con người không bị thống phong, thấp khớp hay đau nhức xương, giúp cho cơ thể chắc khỏe, dẻo dai.
Giờ nhiều gia đình thường có những miếng da trâu khô treo sẵn trong bếp, ngoài vườn cà đắng cũng trồng vài cây vì vậy để có một nồi cà đắng nấu da trâu đãi khách thật dễ dàng và tiện lợi.