Dũng “khùng”, cánh CCB 6971 chúng tôi vẫn gọi yêu bạn mình như vậy! Khùng là bởi Dũng dành cả đời mình, không lấy vợ, suốt ba chục năm ròng đi tìm hài cốt bạn chiến đấu mỗi khi rảnh việc!
Mà không rảnh, hắn cũng tìm cách để vào chiến trường xưa tìm hài cốt và mộ chí các bạn đã hy sinh, dù không phải bao giờ cũng thấy bởi địa hình địa vật đã thay đổi rất nhiều!
Gầy, “không trắng” nhưng tóc bạc trắng mà thật nhanh nhẹn, Dũng hồn nhiên cười mỗi khi bè bạn hỏi chuyện riêng tư:
- Tao vẫn thế!
Vẫn thế, là vẫn FA, vẫn “phòng không” một cách “vô tư như khùng”! Được mỗi cái là chẳng hề tự ái chuyện hỏi han gia thất bao giờ.
Dũng “khùng” tô lại tên bạn trên tấm bia ở Nghĩa trang liệt sĩ thị xã Quảng Trị.
Nguyễn Dũng, sinh viên K15 Chế tạo máy, cùng chúng tôi, 3.500 sinh viên 33 trường đại học và cao đẳng toàn miền Bắc nhập ngũ ngày 6/9/1971. Được biên chế về Trung đoàn 95 F 325, Dũng cùng đơn vị trực tiếp giữ Thành cổ Quảng Trị 1972. Trong 81 ngày mưa bom bão đạn ấy, chàng lính thông tin Nguyễn Dũng đã cùng đồng đội vượt dòng Thạch Hãn nối dây điện thoại đêm đêm ngày ngày, cả chục lần hụt chết vì pháo bầy, bom trận!
Rồi Chiến dịch Hồ Chí Minh, E95 tham gia đánh Tây Nguyên, vào giải phóng Sài Gòn..., Dũng may mắn được trở về trường cũ học tiếp. Trở thành người phụ trách phòng thí nghiệm Đại học Bách khoa, chàng trai ấy bắt đầu cuộc hành trình tìm hài cốt bạn đồng ngũ đã hy sinh mấy mùa chiến dịch.
Gom được chút tiền, Dũng lại, khi thì đơn độc, khi cùng mấy bạn chiến đấu xưa trở lại các chiến trường cũ ở Quảng Trị, Tây Nguyên. Dũng đã tìm được hơn bốn mươi bạn chiến đấu hy sinh, trực tiếp báo cho gia đình đồng đội. Trong máy tính của anh hiện tại, vẫn còn lưu nhiều danh tính liệt sĩ sinh viên của nhiều trường còn chưa được dò tìm bởi điều kiện quá khó khăn.
Trong chuyến đi mới nhất sau Tết 2019 vừa rồi, theo chân Dũng, chúng tôi tìm thấy mộ của Nguyễn Đức Thắng, cùng đại đội thông tin của Dũng, tại khu cuối của Nghĩa trang liệt sĩ thị xã Quảng Trị mới quy tập. Dũng đã tự tay mua sơn để tô lại tên bạn bởi chữ đã phai màu...
Đã 67 tuổi, độc thân, vui tính, không khó gần nhưng vẫn “chưa sẵn sàng lấy vợ” bởi “còn quá lãng mạn”, chàng khùng của chúng tôi, hiện nhận nuôi một cháu gái, con của bạn thương binh chất độc da cam. Hai chú cháu nương nhau, chú thương cháu như con mình, dù chưa từng làm bố.
Đời oái oăm cho Dũng “khùng”, vì hắn khéo tay hay làm, tham công việc nhưng tiếc đời trai! Không có vợ, nhưng lại đang thành công trong chiết xuất các loại tinh dầu hoa lan hoa bưởi hoa cúc... cực hấp dẫn đám đàn bà, con gái! Tôi thường được hắn cho mỗi lần 50 ml khi tinh dầu hoa bưởi, lúc tinh dầu hoàng lan, để “tặng bạn gái mày”, kèm cái nháy mắt ra cái điều “tao biết thừa”....
Phút nghỉ ngơi của các CCB bên đồng đội đã ngã xuống.
Trong mắt tôi, Dũng chính là kẻ khùng vĩ đại, bởi lẽ hiếm có ai bền bỉ đến thế trong mục tiêu kiếm tìm đồng đội đến như vậy! Dường như bao nhiêu tiền có được, Dũng “khùng” đều dành vào việc tri ân này! Những lần đi cùng bạn viếng đồng đội tại chiến trường xưa, tôi không khỏi khâm phục Dũng về sự nhớ như in địa bàn, dù tôi từng là trinh sát pháo chiến đấu tại đó! Địa hình, cảnh trí thay đổi nhưng Dũng không lẫn nơi nào bao giờ. Và đặc biệt, bà con nhiều vùng Quảng Trị luôn yêu quý và hỏi chào trìu mến “chú Dũng tóc bạc” mỗi khi chúng tôi tới.
Chuyện về Dũng “khùng” của chúng tôi, những CCB 6971 là thế! Giản dị như chính con người tuềnh toàng của hắn, cơm trộn nước mắm, thuốc lào xòng xọc kèm đôi chén cuốc lủi hai bữa một ngày! “Cơm no không lo thuốc uống”, hắn thủng thẳng thế!
Ngày 27-7 năm nay, chúng tôi không dám chắc sẽ vào viếng bạn bè như mọi năm bởi sợ đông, không tiện chỗ ăn nghỉ! Chúng tôi định khi vãn các đoàn tri ân, sẽ lại vào viếng đồng đội và các liệt sĩ bởi cánh hưu có sẵn thời giờ! Dũng “khùng” bảo: “Ta bái vọng đúng ngày TBLS, rồi vào viếng sau bởi mỗi năm chúng mình vào đó nhiều lượt! Anh em hiểu mình mà!”.
TẠI TÂM, chúng tôi đều nghĩ vậy, như Dũng “khùng” yêu quý của chúng tôi - gã Tổng Thư ký Chi hội CCB sinh viên 6971, một thương hiệu giản dị nhưng rất đáng tự hào của cánh lính sinh viên già chúng tôi.