Sức khỏe

Ca mắc sởi vẫn diễn biến phức tạp, người lớn cũng không được chủ quan

Hoàng Chiến 30/12/2024 14:56

Trong khi số ca mắc sởi vẫn liên tục gia tăng, đã có trường hợp người lớn tử vong do mắc sởi...

Dịch sởi diễn biến phức tạp

Theo Báo cáo Công tác y tế tháng 12 năm 2024 (từ ngày 17/11/2024 đến ngày 18/12/2024) của Bộ Y tế gửi Văn phòng Chính phủ, số ca sốt phát ban nghi sởi trên cả nước ghi nhận hơn 16.300 trường hợp mắc, 3 tử vong liên quan đến bệnh sởi.

Tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 30.600 trường hợp mắc với 8 ca tử vong liên quan đến bệnh sởi. So với cùng kỳ năm 2023, số ca mắc nghi sởi cao hơn 80 lần.

bv-thanh-nhan(1).jpg
Số trẻ sốt phát ban nghi sởi gia tăng trong thời gian gần đây tại Bệnh viện Thanh Nhàn. Ảnh: BVCC.

Theo Cục Y tế dự phòng, nguyên nhân khiến dịch sởi gia tăng tại một số địa phương thời gian qua là do miễn dịch cộng đồng không đạt yêu cầu vì công tác tiêm chủng bị gián đoạn bởi đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, còn nhiều yếu tố khác như: Ý thức phòng bệnh của người dân còn hạn chế; thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế diễn ra cục bộ; kinh phí bố trí cho công tác phòng, chống dịch hàng năm hạn chế...

Bộ Y tế cũng khuyến cáo, bệnh sởi và một số bệnh dự phòng bằng vaccine tiếp tục có nguy cơ gia tăng số mắc khi tỉ lệ tiêm chủng chưa đạt bao phủ cần thiết trong khi quản lý đối tượng tiêm chủng vẫn còn hạn chế, có khả năng gia tăng các trường hợp

Còn tại Hà Nội, Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 20/12 đến ngày 27/12), toàn thành phố ghi nhận 76 trường hợp mắc sởi tại 24 quận, huyện, tăng 26 trường hợp so với tuần trước.

Cộng dồn năm 2024, thành phố ghi nhận trường hợp tại 30/30 quận huyện, thị xã, tăng so với cùng kỳ năm 2023. Bệnh nhân phân bố theo nhóm tuổi: 98 trường hợp <9 tháng (29,3%); 57 trường hợp 9 - 11 tháng (17%), 115 trường hợp 1 – 5 tuổi (33,7%), 28 trường hợp 6 - 10 tuổi (8,4%), 39 trường hợp > 10 tuổi (11,6%).

CDC Hà Nội đánh giá, số ca mắc sởi đang có xu hướng gia tăng nhanh, chủ yếu ở người chưa tiêm chủng vaccine hoặc chưa được tiêm đầy đủ, dự báo trong thời gian tới số tiếp tục có thêm các trường hợp mắc bệnh, đặc biệt ở nhóm trẻ dưới 1 tuổi và trên 5 tuổi.

Người lớn cũng không nên chủ quan

Mới đây, ngày 28/12, CDC tỉnh Đồng Nai thông tin, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận thêm một trường hợp tử vong liên quan đến bệnh sởi. Theo đó, trường hợp tử vong là anh H.M.N. (26 tuổi, xã Phú Cường, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai).

Bệnh nhân mắc hội chứng Down, tim thông liên thất, vảy nến từ nhỏ, không đi học, giao tiếp khó khăn nên ở nhà với cha mẹ, không được tiêm ngừa các loại vaccine phòng bệnh, trong đó có vaccine sởi. Đây là ca tử vong thứ ba có liên quan đến bệnh sởi trên địa bàn tỉnh Đồng Nai trong năm 2024.

Trước đó, thông tin ngày 11/12 từ Bệnh viện Bạch Mai, thời gian gần đây, thời tiết ở miền Bắc chuyển mùa nên Trung tâm Bệnh nhiệt đới của bệnh viện tiếp nhận nhiều bệnh nhân người lớn mắc sởi phải nhập viện.

Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, thời gian gần đây, thời tiết ở miền Bắc chuyển mùa nên trung tâm tiếp nhận nhiều bệnh nhân là người lớn mắc sởi nhập viện. Virus sởi rất dễ lây theo đường không khí hoặc giọt bắn, đối tượng cảm thụ là trẻ em chưa được tiêm phòng hoặc người lớn khi lượng kháng thể trong máu suy giảm.

Theo chuyên gia này, sởi ở người lớn hay trẻ em đều có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như: viêm não, viêm đường phổi, viêm kết mạc, viêm giác mạc, bội nhiễm gây viêm tai giữa, viêm ruột và các loại nhiễm trùng khác ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

“Có không ít người lớn chủ quan cho rằng bệnh sởi chỉ có ở trẻ em, nên không đi khám và điều trị. Với phụ nữ có thai, bệnh sởi cũng có tác động xấu đến sức khỏe của mẹ và có ảnh hưởng tới thai nhi, đặc biệt trong 3 tháng đầu mang thai.

Bộ Y tế đã có hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh sởi, các nhân viên y tế cần chú ý đến các đặc điểm của bệnh sởi để xét nghiệm chẩn đoán và cách ly, điều trị kịp thời, tránh bỏ sót và phát hiện muộn, từ đó nguy cơ lây lan trong cộng đồng”, PGS.TS Đỗ Duy Cường cho biết.

Chuyên gia khuyến cáo, bệnh sởi cũng như một số bệnh truyền nhiễm khác như bạch hầu, ho gà, uốn ván... có thể phòng ngừa an toàn bằng biện pháp tiêm chủng. Vaccine sởi hiện nay dành cho người lớn là vaccine 3 trong 1 MMR (sởi-quai bị-rubella) sẽ giúp chúng ta phòng bệnh và ngăn ngừa các biến chứng. Bên cạnh đó, cần giữ vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân, nâng cao sức khỏe để tăng sức đề kháng và đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh…

Để phòng chống bệnh sởi, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo:

1. Chủ động đưa trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vaccine sởi đi tiêm đầy đủ và đúng lịch.

2. Không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc bệnh sởi; Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ.

3. Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng cho trẻ hàng ngày. Đảm bảo nhà ở và nhà vệ sinh thông thoáng, sạch sẽ. Tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.

4. Nhà trẻ, mẫu giáo, trường học nơi tập trung đông trẻ em cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng; thường xuyên khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập và phòng học bằng các chất sát khuẩn thông thường.

5. Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời. Không nên đưa trẻ điều trị vượt tuyến khi không cần thiết để tránh quá tải bệnh viện và lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ca mắc sởi vẫn diễn biến phức tạp, người lớn cũng không được chủ quan