Mùa khô năm 2020 vẫn diễn biến phức tạp, nắng nóng tiếp tục kéo dài ở Cà Mau, hàng chục ngàn ha rừng đã báo động đỏ cấp cực kỳ nguy hiểm.
Các chòi canh quan sát từ xa phòng chống cháy rừng ở Cà Mau.
Thông tin từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau, tình hình thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài. Cà Mau hiện có 43.583,8 ha rừng ở U Minh Hạ, rừng cụm đảo đang báo động cấp IV (cấp nguy hiểm), trong đó 90% diện tích báo động cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm).
Trong thời gian mùa khô năm 2020 tính đến thời điểm hiện tại trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 5 vụ cháy, tổng diện tích thiệt hại 13.373,5m2, chủ yếu là rừng sản xuất là rừng trồng và tái sinh chồi. Ngoài ra, lực lượng chức năng còn phát hiện và dập tắt kịp thời 1 vụ cháy cây tràm tái sinh sau khai thác (không thuộc diện tích đất lâm nghiệp) tại Nông trường 402, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời.
Vụ cháy mới nhất xảy ra đầu tháng 4, cụ thể khoảng 8h sáng ngày 1/4, tại tiểu khu 042, kinh 90, đoạn thuộc ấp 15, xã Khánh Lâm thuộc huyện U Minh xảy ra 1 vụ cháy rừng. Nhận được tin báo, lực lượng Hạt Kiểm lâm U Minh, lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy của huyện, lực lượng thuộc Ban Chỉ huy quân sự U Minh... đến hiện trường tham gia chữa cháy. Khoảng hơn 3 tiếng sau, đám cháy được dập tắt, diện tích thiệt hại khoảng 2.000 m2, trong đó có 1.500 m2 có rừng, diện tích còn lại chủ yếu là sậy, cây choại... Nguyên nhân vụ cháy được lực lượng chức năng xác định là do người dân vào rừng trộm ong mật gây cháy.
Ông Dương Đặng Vinh- Phó phòng Quản lý bảo vệ rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau cho biết: Đến thời điểm này diện tích rừng trên 43.500 ha đã bị khô hạn cấp 5- cấp cực kỳ nguy hiểm - mực nước dưới kinh mương có nơi chỉ còn 0,3m có chỗ nhiều nhất là 1,9m (khu vực vườn Quốc gia). Trước tình hình diễn biến tương đối phức tạp của thời tiết, do dự báo và nhận định trước nên thời gian qua các lực lượng phân công trực sẵn sàng 24/24 với tư thế “4 tại chỗ”.
Cũng theo thông tin từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau, việc giữ nước để chống cháy rừng luôn được quan tâm thực hiện. Các đơn vị chủ rừng chủ động đắp các đập, mương rãnh thoát nước, đóng bửng, cống điều tiết nước trước khi mùa mưa kết thúc, các đập vẫn đảm bảo giữ nước. Tuy nhiên do khô hạn kéo dài nên mực nước trữ ở các tuyến kênh rạch trong và ngoài các khu rừng đang bị cạn kiệt dần, cụ thể, Vườn Quốc gia U Minh Hạ dao động từ 1,58 đến 1,83m; Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ dao động từ 0,65 đến 1,35m; xã Khánh Bình Tây Bắc 0,15m; xã Trần Hợi 1,0m; xã Khánh Lâm 0,5m; xã Khánh An 0,6m, Nguyễn Phích 0,6m; Khánh Thuận 0,8m, Khánh Hòa 0,8m, Khánh Tiến 0,8m; các doanh nghiệp thuê đất dao động từ 0,4 – 0,8m.
Diện tích rừng cảnh báo cháy cao tập trung ở các xã Khánh An, Khánh Lâm, Khánh Thuận (huyện U Minh) và xã Trần Hợi, Khánh Bình Tây Bắc (huyện Trần Văn Thời). Trong đó, vùng lõi lâm phần rừng U Minh hạ là Vườn Quốc gia U Minh hạ đã có 5.700 ha trong tổng số 8.500 ha báo cháy cấp cực kỳ nguy hiểm.
Ông Huỳnh Minh Nguyên- Giám đốc Vườn Quốc gia U Minh Hạ cho biết, với cường độ nắng hạn gay gắt như hiện nay, toàn bộ diện tích rừng của đơn vị sẽ chuyển sang báo cháy cấp V. Để đảm bảo phòng cháy chữa cháy rừng hiệu quả, các lực lượng chức năng đang tiếp tục tăng cường các giải pháp phòng tránh, tuy nhiên vẫn còn nhiều lo lắng. “Một số hộ dân thiếu ý thức vào rừng săn bắt động vật, lấy mật ong trái phép. Mặc dù thường xuyên tuần tra nhưng không thể ngăn chặn thực trạng này đó là nguy cơ gây cháy rừng hàng đầu”- ông Nguyên nói.
Để phòng chống cháy rừng, các chủ rừng, UBND xã tích cực tuyên truyền vận động dân cư sống trong và ven rừng nhằm nâng cao ý thức và trách nhiệm. Lực lượng chức năng của Cà Mau đã tổ chức ký cam kết với 5.697 hộ dân. Kiểm tra, rà soát và sơn sửa các bảng tuyên truyền quản lý bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng, biển dự báo cấp cháy rừng; cấp mới biển dự báo cấp cháy rừng, bảng cấm lửa, bảng cấm vào rừng cho các đơn vị chủ rừng, UBND xã. Xây dựng cấp phát cho các đơn vị chủ rừng, UBND xã nội dung tuyên truyền các quy định mới về phòng chống cháy rừng để tuyên truyền bằng loa phóng thanh cho người dân sống trong và ven rừng đồng thời thường xuyên kiểm tra công tác thực hiện ở mức cao nhất…