Nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật vào việc trồng và phát triển rừng nên cây trồng lớn nhanh và rút ngắn được thời gian thu hoạch. Bên cạnh nguồn lợi từ rừng, người dân Cà Mau đã tận dụng lợi thế này để kết hợp phát triển du lịch nên có cuộc sống ổn định.
Kinh tế rừng được xem là thế mạnh của huyện U Minh (Cà Mau). Những năm gần đây, địa phương luôn đổi mới cách thức xuống giống gieo trồng và đã gặt hái được nhiều thành tựu. Cụ thể, bằng việc ứng dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất giúp cây trồng lớn nhanh, rút ngắn thời gian thu hoạch nên đời sống của người trồng rừng ở địa phương rất ổn định.
Nhiều hộ gia đình có đời sống khấm khá nhờ có nguồn thu nhập ổn định từ rừng. Bên cạnh việc trồng rừng, người dân ở đây còn biết tận dụng những nét đẹp hoang sơ và nét văn hóa bản địa để phát triển du lịch. Từ đó, đời sống của người dân trở nên khá, giàu và xây dựng nhà cửa khang trang, góp phần đáng kể vào sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của huyện U Minh.
Ông Hoàng, người trồng rừng ngụ huyện U Minh hồ hởi chia sẻ: “Sau khi xem xét điều kiện phát triển, thổ nhưỡng của vùng đất này, chính quyền địa phương đã mở nhiều cuộc tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật để người dân chúng tôi chuyển từ hình thức trồng tràm, sang trồng cây keo lai. Kết quả, loại cây keo lai phát triển nhanh, rút ngắn thời gian thu hoạch gần 1 nữa so với trồng tràm nhưng giá thành bán ra lại cao hơn rất nhiều, điều đó khiến người dân địa phương vô cùng phấn khởi”.
Chính quyền huyện U Minh xác định, hiện nay trồng rừng thâm canh được xem là bước đột phá trong sản xuất rừng của huyện U Minh. Với kỹ thuật xẻ mương, lên liếp, cây tràm cừ bản địa, tràm Úc và cây keo lai phát triển rất nhanh đã rút ngắn được chu kỳ khai thác và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Nếu trước đây, cây tràm được trồng theo mô hình quảng canh truyền thống phải mất khoảng 15 năm mới cho thu hoạch, thì hiện nay chỉ còn 5 - 7 năm, về năng suất và chất lượng cũng cao hơn. Đặc biệt, cây keo lai sau 5 năm trồng và chăm sóc, giá bán tương đối ổn định.
Ông Trần Công Mười, Chủ tịch UBND xã Khánh Thuận, huyện U Minh chia sẻ, gần đây sức hút từ cây tràm không còn nhiều như trước. Đa phần cây tràm phục vụ cho việc xây dựng, những năm gần đây, do giá cả thị trường vật tư xây dựng biến động nên tình hình đầu tư xây dựng ở địa phương giảm so với thời gian trước nên giá tràm giảm giá thấp.
Nhận thấy giá trị và lợi ích từ cây keo lai mang lại sẽ góp phần rất lớn đối với sự phát triển kinh tế của địa phương và mang lại cuộc sống sung túc cho người dân nên bà con đã mạnh dạn xuống giống keo lai trên diện tích lâm phần của từng hộ nhận giao khoán. Giá trị kinh tế từ cây keo lai rất lớn, hầu như khi đến tuổi thu hoạch, loại cây này chỉ bỏ lá, còn cành nhánh đều được lái thu mua hết. Giờ cứ mỗi ha cây keo lai được thương lái thu mua từ 170 – 180 triệu đồng. Cao hơn việc trồng tràm truyền thống như trước đây rất nhiều.
Ngoài ra, huyện U Minh cũng đang định hướng phát triển các mô hình “trồng cây ăn trái và rau màu kết hợp du lịch cộng đồng” dưới tán rừng; xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp đạt tiêu chuẩn, chất lượng, an toàn và truy xuất nguồn gốc như VietGAP, hữu cơ… Từ đó, giúp tăng giá trị nông sản, tăng thu nhập, tạo sinh kế ổn định và nâng cao thu nhập của người dân, nhằm lấy ngắn nuôi dài trong bảo vệ và phát triển rừng.
Nhờ áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong trồng rừng kết hợp sản xuất trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản sinh thái nên thu nhập và cuộc sống của người dân tốt hơn. Đặc biệt, định hướng phát triển kinh tế rừng gắn với du lịch sinh thái đang là hướng đi mới trong tương lai góp phần tăng thêm thu nhập cho người dân và quảng bá thế mạnh hệ sinh thái rừng tràm của địa phương.
Tư duy về nông nghiệp của người dân ở huyện U Minh ngày càng tiến bộ, linh hoạt, họ đã mạnh dạn tái cơ cấu cây trồng, chuyển đổi từ trồng tràm truyền thống sang áp dụng khoa học – kỹ thuật bằng việc lên liếp trồng keo lai đã mang lại hiệu quả, năng suất ngoài sức tưởng tượng của người dân địa phương.
Ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Giám đốc Công ty Lâm nghiệp U Minh hạ, thông tin: “Tràm hiện nay tuỳ theo trữ lượng mà thương lái chọn mua, nhưng bình quân khoảng 70 triệu đồng/ha. Trong khi đó, keo lai hiện nay có giá trị kinh tế cao khoảng 170 triệu đồng/ha. Địa phương đang từng bước chuyển dịch sang trồng cây keo lai. Hiện tại, loại cây này chỉ chiếm khoảng 20 – 30% tổng diện tích toàn lâm phần. Chúng tôi cố gắng chuyển dịch khoảng 50% là keo lai và 50% là cây tràm”.
Theo ông Phước, sản lượng keo lai đạt hơn cây tràm rất nhiều. Tuy nhiên, chi phí đầu tư trồng keo lai thì tương đối cao. Cứ mỗi ha cây keo lai hiện nay có giá khoảng 170 triệu đồng, sau khi trừ chi phí thì người dân còn lãi khoảng 120 triệu đồng. “Tình hình cuộc sống của người dân ở lâm phần U Minh hạ giờ thay đổi nhiều rồi. Cơ bản là phát triển, giờ ở đây bà con xây dựng nhà tường, nhà ngói nhiều lắm. So với trước đây, bây giờ đời sống bà con ổn định hơn nhiều. Nhiều hộ sau khi thu hoạch cầm tiền tỉ trong tay”, ông Phước chia sẻ thêm.
Toàn huyện U Minh có diện tích tự nhiên hơn 77.589ha, trong đó diện tích quy hoạch đất lâm nghiệp là 38.092ha, diện tích đất có rừng 32.235ha. Những năm qua đơn vị chủ rừng được giao quản lý bảo vệ và phát triển rừng chủ động đầu tư trồng rừng thâm canh theo định hướng của ngành lâm nghiệp với 3 loại cây chủ lực là keo lai, tràm cừ bản địa, tràm Úc. Trong đó, keo lai được chọn là cây trồng mang tính đột phá trong phát triển kinh tế rừng.
Nhờ áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong trồng rừng kết hợp sản xuất trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản sinh thái nên thu nhập và cuộc sống của người dân địa phương đã ổn định hơn. Có thể nói, việc chuyển đổi từ trồng tràm truyền thống sang trồng keo lai được xem là bước đột phá của ngành lâm nghiệp tỉnh Cà Mau nói chung, huyện U Minh nói riêng. Đây là mô hình kinh tế có nhiều triển vọng, mang lại cuộc sống sung túc cho người dân nên cần được quan tâm, phát triển để nhân rộng.