Ngày 12/4, Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau cho biết, việc thả rạn nhân tạo đã phát huy được vai trò làm nơi trú ẩn để bảo vệ cá con, cá non mới trưởng thành và một số loài cá có giá trị kinh tế, giá trị sinh cảnh..., khỏi các ngư lưới cụ khai thác mang tính hủy diệt.
Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau cho biết việc thả rạn nhân tạo nằm trong kế hoạch thực hiện Dự án “Thả rạn nhân tạo nhằm bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thuỷ sản kết hợp phát triển du lịch trên vùng biển tỉnh Cà Mau”, trong giai đoạn năm 2019 – 2021. Đây là dự án Chính phủ Thái Lan hỗ trợ, đến nay địa phương đã tổ chức thả được 500 khối rạn xuống khu vực biển Tây tỉnh Cà Mau (được phân thành 5 cụm rạn với 100 khối rạn/cụm). Năm 2022, thực hiện chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, Cà Mau đã tiếp tục mở rộng thêm diện tích rạn nhân tạo với thêm 400 khối.
Kết quả triển khai đã xác định được vị trí thả rạn nhân tạo tại vùng Biển Tây tỉnh Cà Mau được thả 900 khối rạn, quanh vị trí này đã tạo nên một khu vực rạn nhân tạo quản lý có chu vi 5,6 km với diện tích 1,88 km2, đã góp phần ngăn cản một số ngư lưới cụ tác động tiêu cực đến hệ sinh thái vùng biển ven bờ.
Theo Chi cục Thuỷ sản tỉnh Cà Mau, rạn nhân tạo đã phát huy được vai trò làm nơi trú ẩn để bảo vệ cá con, cá còn non mới trưởng thành và một số loài cá có giá trị kinh tế, giá trị sinh cảnh... khỏi các ngư lưới cụ khai thác mang tính hủy diệt. Qua đó, hình thành nơi cư trú nhân tạo ổn định cho các loài thủy sản trú ngụ và phát triển.
Nghiên cứu cho thấy với kết quả lặn khảo sát nguồn lợi thủy sản trước khi thả rạn không tìm thấy được loài nào tại 5 điểm khảo sát. Tuy nhiên, sau khi thả rạn hơn 10 tháng, kết quả cho thấy hệ sinh thái tại đây đã phục hồi đáng kể, với hơn 78 loài đại diện được tìm thấy thường xuyên qua các lần lặn quan sát.
Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau cho biết thêm, kết quả điều tra trước và sau khi thả rạn, hiệu quả về thu nhập của ngư dân trong vùng cho thấy, nguồn lợi thủy sản trong ngư trường có sự thay đổi đáng kể. Qua đó, thu nhập của các nghề cũng được tăng lên. Từ kết quả khảo sát thành phần loài thương phẩm của các ngư dân khai thác trong khu vực trước và sau khi thả rạn cho thấy, ban đầu chỉ xác định được 40 loài thương phẩm trong các mẻ khai thác, trong đó có 25 loài cá, 8 loài giáp xác và 7 loài thân mềm. Sau khi thả rạn, số lượng loài thương phẩm trong các mẻ khai thác tăng lên đáng kể, với 97 loài trong đó có 62 loài cá, 15 loài giáp xác và 20 loài thân mềm.
Đánh giá của ngành nông nghiệp địa phương, đây là tín hiệu rất tích cực trong việc sử dụng rạn nhân tạo để làm nơi trú ẩn cho các loài sinh vật biển phát triển. Thông qua đó nguồn lợi thủy sản còn non theo thời gian sẽ phát tán vào vùng biển, tạo nên ngư trường ổn định cho ngư dân khai thác bền vững, tác động tích cực đối với việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản để khai thác bền vững trong tương lai.
“Sự xuất hiện của các loài cá như cá bớp, cá thu, cá bè, cá nhồng, cá mú, cá hường… cho thấy, chuỗi mắt xích thức ăn tự nhiên trong hệ sinh thái vùng rạn đang có dấu hiệu phục hồi tích cực. Đặc biệt là có xuất hiện một số loài cá có giá trị sinh cảnh như cá bướm, cá thia, cá hoàng hậu đuôi trắng…, nguồn lợi thủy sản tại khu vực rạn đang có dấu hiệu phục hồi tạo được sự quan tâm của cộng đồng ngư dân địa phương trong việc bảo tồn nguồn lợi thủy sản”, lãnh đạo Chi cục Thuỷ sản tỉnh Cà Mau cho biết.
Từ kết quả đạt được, Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau đề xuất cấp trên có thể triển khai thả rạn nhân tạo để mở rộng thêm diện tích hiện có và nhân rộng thêm tại các khu vực biển khác có điều kiện tương đồng chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả cao trong công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Từ đó, đưa ngành khai thác thủy sản hướng đến một nghề cá bền vững, là phù hợp với chủ trương hiện nay.