Theo thống kê được Bộ GDĐT, năm nay, các trường tốp trên tiếp tục có điểm chuẩn các ngành ổn định hoặc tăng nhẹ. Trong khi đó, các trường tốp giữa có nhiều ngành bứt phá mạnh.
Số thí sinh dự thi năm nay là 1.020.000, tăng hơn 11% so với năm 2020 (900.000 thí sinh). Trong đó, số thí sinh đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng mầm non là 795.000 thí sinh, tăng 152.000 thí sinh, tương đương 24% so với năm 2020. Trong khi đó số chỉ tiêu tăng 10.000; chỉ tiêu xét theo kết quả thi THPT giữ ổn định. Số đã xác nhận nhập học theo phương thức xét tuyển khác chỉ tăng 17.000 thí sinh.
Bộ GDĐT đánh giá, các trường tốp trên có điểm chuẩn các ngành ổn định hoặc tăng nhẹ, trong khi các trường top giữa có nhiều ngành bứt phá mạnh.
Cụ thể, số ngành giữ nguyên hoặc tăng/giảm tới 3 điểm chiếm 86% trong tổng số 3.259 mã ngành.
Số ngành tăng từ 5 điểm trở lên là 265, chiếm 8%; trong đó, 30 mã ngành, chiếm chưa đến 1%, lấy điểm chuẩn cao hơn năm ngoái 9-11 điểm.
Trong số các ngành có điểm chuẩn tăng từ 5 điểm trở lên so với năm ngoái, khối kỹ thuật - công nghệ chiếm 70 mã, sư phạm chiếm 64 mã. Tiếp đó là kinh tế & quản lý (42 mã), xã hội nhân văn (32 mã), pháp luật (10 mã).
Theo phân tích, có 3 nguyên nhân tăng điểm chuẩn là: Điểm bài thi tiếng Anh (tăng hợp lý); số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển tăng mạnh (số trẻ sinh năm 2003 tăng, xu hướng chọn học đại học tăng), giới hạn chỉ tiêu của các trường tốp trên; xu hướng chọn ngành (tác động của nền kinh tế trong điều kiện dịch bệnh).
Điểm chuẩn tăng cao dẫn đến việc một số thí sinh điểm rất cao nhưng vẫn phải đối mặt với nguy cơ trượt đại học. Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng đây là điều đáng tiếc.
Tuy nhiên, theo Thứ trường Hoàng Minh Sơn, các trường năm nay có nhiều hình thức xét tuyển khác nhau nữa nên các em sẽ có thêm cơ hội để trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển khác.