Những ngày qua, các hộ nuôi cá lồng bè trong lòng hồ Thủy điện Sông Tranh 2, xã Trà Đốc, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam rất lo lắng vì cá nuôi bất ngờ chết hàng loạt.
Ông Trần Văn Mạo (50 tuổi, trú xã Trà Sơn, huyện Bắc Trà My) cho hay, năm nay gia đình ông nuôi 20 lồng cá như: cá diêu hồng, rô phi, cá chình và cá lăng ở lòng hồ Thủy điện Sông Tranh 2 chuẩn bị thời kỳ thu hoạch thì bỗng nhiên cá có hiện tượng đờ đờ và bơi quay tròn rồi chết.
“Những năm trước, tôi nuôi cá ở đây cũng có tình trạng cá chết, nhưng chỉ diễn ra khoảng 2 ngày là hết, số lượng cá chết rất ít. Tuy nhiên năm 2020 đã hơn 15 ngày qua cá vẫn tiếp tục chết chưa dừng lại. Số lượng cá chết mỗi ngày một tăng, dù đã sử dụng nhiều loại thuốc phòng bệnh”, ông Mạo chia sẻ.
Còn ông Trần Thanh Tuấn (43 tuổi, trú xã Trà Đốc, huyện Bắc Trà My) cho biết: “Năm nay tôi đầu tư số tiền hơn 500 triệu đồng để mua cá giống về thả nuôi trên lòng hồ thủy điện này, với số lượng 43 lồng cá các loại và ếch. Thế nhưng những ngày qua cá nuôi trong lồng liên tục bị chết. Cá chết như thế này thì vụ này tôi lâm cảnh thua lỗ nặng”.
“Hàng ngày, mỗi sáng và chiều tôi phải dùng vợt đi các lồng nuôi để vớt số lượng cá chết đưa lên bờ, rồi đào hố để tiêu hủy cá chết để phòng tránh gây ô nhiễm môi trường. Trung bình, mỗi ngày, số lượng cá chết từ 60-80kg”, anh Tuấn tâm sự.
Trước tình trạng này, ông Huỳnh Ngọc Thiệu, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bắc Trà My cho biết: “Sau khi nhận thông tin của các hộ nuôi cá lồng bè trên đập thủy điện Sông Tranh 2 bị chết, Phòng NN&PTNT huyện đã cử cán bộ cùng các ngành chức năng đi kiểm tra thực tế. Qua đó xác định nguyên nhân ban đầu dẫn đến tình trạng cá chết là do nhiệt độ giảm xuống đột xuất. Vì thời tiết trưa nắng nóng, chiều nhiệt độ giảm xuống, môi trường nước thiếu oxi dẫn đến cá chết lai rai như vậy”.
Về biện pháp phòng tránh cá chết ở đập thủy điện này, ông Huỳnh Ngọc Thiệu nói: “Đã đề nghị các hộ dân nuôi cá lồng bè sử dụng máy bơm oxi và di chuyển các lồng bè ở vị trí gần bờ ra xa bờ hơn để đảm bảo cho nhiệt độ”.