Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, tình trạng ca sĩ không nhớ lời bài hát trong sự kiện nghệ thuật vừa qua là một sự cố hết sức đáng tiếc nhưng đồng thời cũng là bài học cảnh báo về nhiều vấn đề trong việc tổ chức các sự kiện biểu diễn nghệ thuật trong thời gian gần đây.
Hiện tượng ca sĩ hát sai lời bài hát xảy ra càng lúc càng nhiều. Có thể một bộ phận khán giả coi đó là chuyện nhỏ, vì họ không biết chính xác lời của bài hát, chỉ cần giai điệu hợp với gu của họ thế là hay. Tuy nhiên với một số người quan tâm, nhất là các nhạc sĩ, nhiều người sẽ buồn lòng vì “đứa con tinh thần” của mình bị méo mó, biến dạng.
Đó là vấn đề chất lượng ca sĩ khi đã từng có dư luận cho rằng ai cầm mic lên cũng trở thành ca sĩ. Đó cũng có thể là từ sự cẩu thả, chạy theo thị hiếu và lợi nhuận dẫn đến việc tổ chức các chương trình nghệ thuật, ở đó ai cũng có thể được mời tham gia như nhiều sự kiện gần đây mời cả giang hồ mạng để thu hút sự hiếu kỳ của khán giả, và cũng có thể là những nguyên nhân buông lỏng quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước.
“Dù bằng bởi bất kỳ lý do gì thì thiệt hại lớn nhất vẫn là công chúng khi họ phải thưởng thức một chương trình kém chất lượng, coi thường khán giả. Tiếp đó là ảnh hưởng tiệc đến môi trường nghệ thuật, những nghệ sĩ chân chính - những người đã cố công rèn luyện để tôn vinh vẻ đẹp nghệ thuật” - ông Sơn nói và cho rằng cần có những giải pháp tổng thể. Trong đó cần có nhận thức đúng đắn, đầy đủ về nghệ thuật và vai trò, trách nhiệm của nghệ sĩ đối với xã hội để từ đó, mỗi lần xuất hiện trước công chúng, họ cần phải chỉn chu hơn, ý thức rõ ràng hơn. Cùng với đó, các công ty tổ chức sự kiện cần nâng cao trách nhiệm xã hội của mình trong việc tổ chức các buổi biểu diễn nghệ thuật, trong đó, chất lượng của chương trình, nghệ sĩ phải được coi trọng để thể hiện sự tôn trọng khán giả, tôn trọng nghệ thuật.
Bên cạnh đó, vai trò của các cơ quan nhà nước trong việc quản lý, cấp phép, thanh kiểm tra các chương trình nghệ thuật. Cần xử lý nghiêm, mang tính làm gương đối với những sai phạm của các nghệ sĩ, công ty tổ chức sự kiện để tránh những sai lầm có thể lặp lại. Cùng đó là vai trò của công chúng trong việc lên án các hành vi phản cảm, sai lệch của các nghệ sĩ. Trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều cạnh tranh như hiện nay, công chúng có tiếng nói quan trọng. Chính vì thế, phản ứng của họ sẽ có sức nặng rất lớn đối với các công ty tổ chức sự kiện và các nghệ sỹ khiến họ sẽ không tái diễn những sự cố tương tự.