Sự cố cháy nổ 60 tấm pin mặt trời tại nhà sản xuất của Công ty CP Điện Gia Lai là một minh chứng cho thấy rõ những nguy cơ tiềm ẩn từ sự phát triển ồ ạt điện mặt trời.
Giới chuyên gia nhận định, năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời... chính là lời giải cho bài toán an ninh năng lượng quốc gia, phát triển bền vững. Bởi các nguồn năng lượng như nhiệt điện, thủy điện đang bộc lộ những bất cập về môi trường, an sinh xã hội.
Trong bối cảnh hiện nay, bài toán an ninh năng lượng ngày càng được đặt ra bức thiết hơn. Không chỉ bởi nguy cơ thiếu hụt điện năng, mà quan trọng hơn, vấn đề về phát triển bền vững mới là yếu tố cần phải được chú trọng hơn cả.
Tuy nhiên, những nguồn năng lượng khá dồi dào của chúng ta lâu nay như thủy điện nhỏ, nhiện điện lại đang bộc lộ những bất cập đặc biệt là sự tác động xấu đến môi trường. Nhiều quốc gia trên thế giới đã loại khỏi quy hoạch các dự án nhiệt điện do những bất cập mà nhiệt điện gây ra cho môi trường sinh thái.
Việt Nam cũng cần đi theo xu hướng này, và đổi lại cần thiết phải phát triển các nguồn năng lượng tái tạo để đáp ứng nhu cầu về điện trong thời gian tới.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, thời gian qua, các dự án điện mặt trời phát triển ồ ạt tại một số địa phương lại đang bộc lộ nhiều bất cập.
Chỉ trong vòng 11 tháng của năm 2020, hàng loạt công trình điện mặt trời áp mái đã mọc lên như nấm tại nhiều tỉnh Tây Nguyên như Đắk Lắk, Gia Lai, Đắk Nông... Thực tế này đẩy các địa phương này đến tình trạng quá tải lưới truyền tải, thừa công suất, gây lãng phí nguồn điện năng.
Bên cạnh đó, còn là những nguy cơ về cháy nổ khi có quá nhiều dự án điện mặt trời mái nhà với quy mô nhỏ mọc lên ồ ạt.
Sự cố cháy nổ 60 tấm pin mặt trời tại nhà sản xuất của Công ty Cổ phần Điện Gia Lai mới đây là một minh chứng cho thấy rõ những nguy cơ tiềm ẩn từ sự phát triển ồ ạt này. Thực tế, nguy cơ cháy nổ các dự án điện mặt trời mái nhà đã được giới chuyên gia trong ngành cảnh báo lâu nay.
Theo bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh, thời gian qua, nhiều DN lợi dụng chính sách ưu đãi về giá bán điện của Chính phủ, đổ xô mua đất nông nghiệp, đất rừng và xin chuyển đổi đầu tư điện mặt trời để hưởng giá điện cao.
Thực trạng này không chỉ tiềm ẩn những rủi ro, bất cập về vấn đề an toàn trong phòng chống cháy nổ, mà còn khiến diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp dần.
Và những gì đang diễn ra tại các tỉnh Tây Nguyên thời gian qua cho thấy rõ thực trạng này. Theo các chuyên gia, nhiều nhà đầu tư bám vào mục tiêu hoàn thành các dự án điện mặt trời trước ngày 31/12/2020 để được hưởng mức giá điện cao, đã dẫn đến tình trạng quá tải ở nhiều địa phương, và hệ lụy là hạ tầng truyền tải không đủ để đáp ứng lượng công suất lớn sản sinh ra từ hàng trăm dự án điện mặt trời gây quá tải cục bộ. Điều này một phần do chính sách quản lý còn nhiều "kẽ hở".
Phát triển các nguồn năng lượng tái tạo là xu hướng tất yếu, tuy nhiên, thời gian qua, sự phát triển quá nhanh, quá nóng của hàng loạt các dự án điện mặt trời tại một số địa phương trên cả nước dẫn đến sự quá tải về công suất truyền tải... cũng đang đặt ra những yêu cầu về phát triển cơ sở hạ tầng cũng như việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan đến bài toán an ninh năng lượng mà nhà quản lý cần phải quan tâm trong thời gian tới.
Đặc biệt, cần lấp "lỗ hổng" chính sách để tránh tình trạng trục lợi của các nhà đầu tư mà dư luận đã chứng kiến thời gian qua.