Những ngày này, tại nhiều làng hoa trên địa bàn tỉnh Nghệ An đang chạy nước rút, chăm sóc từng chậu hoa, cành đào để kịp phục vụ thị trường Tết. Thậm chí, người nông dân phải tỉa cành, tuốt lá, bắt ép đào khoe sắc đúng thời điểm.
Xã Kim Thành, huyện Yên Thành lâu nay được xem là địa phương có nghề trồng đào lớn nhất huyện. Toàn xã có hơn 350 hộ đầu tư trồng đào. Mỗi năm lợi nhuận từ cây đào mang về cho người dân xã này hơn 3 tỷ đồng. Bởi vậy, những ngày này, trên các cánh đồng trồng đào, người dân nơi đây đang chăm sóc loại cây “một năm bán một lần” với sự ưng ý nhất.
Để cây đào ra hoa đúng dịp Tết Nguyên đán, người dân xã Kim Thành đang khẩn trương tỉa cành, tuốt lá và cẩn thận theo dõi thời tiết để chăm sóc. Đây là công đoạn cuối cùng để có những cây đào ưng ý.
"Việc tuốt lá sẽ giúp cây đào ra hoa đúng thời điểm và trông gọn gàng, đẹp hơn. Tuy nhiên, người trồng phải có kinh nghiệm chọn thời điểm tuốt lá. Nếu không chuẩn, cây đào sẽ ra hoa sớm hoặc muộn hơn”, bà Phượng chia sẻ.
Cũng theo bà Phượng, việc tuốt lá không khó nhọc nhưng tốn nhiều thời gian và tỉ mỉ vì làm hoàn toàn bằng thủ công. Mình phải tuốt từ cành nhỏ, cành non rồi mới đến cành già. Làm không cẩn thận thì cành cây gãy sẽ xấu và bán không được giá. Đặc biệt, việc tuốt lá phải dựa vào thời tiết từng năm. Nếu không chuẩn, hoa của đào sẽ ra trước hoặc sau Tết thì xem như vụ đó mất mùa.
“Năm nay gia đình tôi trồng hơn 500 gốc đào phai. Trong đó có hơn 300 gốc đã trồng 3 năm tuổi và có thể bán vào dịp Tết Nguyên đán 2025. Mỗi gốc đào dự kiến được bán với giá từ 300 - 500 nghìn đồng, tùy kích thước, dáng cây”, bà Phương thông tin thêm.
Ông Trần Văn Luân, trú xóm Trại Mắt cho biết, khi cây được 1 năm tuổi, người dân sẽ bắt đầu cắt tỉa cành và tạo dáng nhằm tạo cây cao lớn và tỏa ra dáng đẹp như ý muốn. Trồng đào phụ thuộc lớn vào thời tiết. Trời nắng ấm thuận lợi nhưng đến sát tết có đợt không khí lạnh thì đào lại không thể ra hoa được.
Theo ông Phan Tất Mậu, Chủ tịch UBND xã Kim Thành cho biết, toàn xã có hơn 350 hộ đầu tư trồng đào. Mỗi năm lợi nhuận từ cây đào mang về cho người dân xã này hơn 3 tỷ đồng. Nhờ cây đào, các hộ dân trong xã đã vươn lên khá giả. “Chúng tôi cũng dự kiến chuyển đổi thêm 100ha đất hoang hóa và đất kém chất lượng sang trồng đào, nhằm phát triển thành một ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương”, ông Mậu cho biết thêm.
Còn tại xã Nghi Ân, địa phương được xem là “vựa“ hoa của TP Vinh, người dân cũng đang chạy nước rút, đẩy mạnh chăm sóc các loại hoa để bán trong dịp Tết.
Qua khảo sát, tôi thấy nhu cầu chơi hoa tươi có tăng nhưng người chơi hoa thường trải đều trong tháng, nghĩa là từ hôm nay cho đến gần Tết âm. Do vậy, ngoài đa dạng các loại hoa, người dân còn xem thị hiếu của khách hàng, thời tiết để điều chỉnh cho phù hợp.
Có một thực tế, do ảnh hưởng của bão số 3, số 4 ở các tỉnh phía Bắc khiến hoa của các nhà vườn bị hư hỏng nhiều dẫn tới nguồn hàng khá khan hiếm. Ông Nguyễn Minh Hà (chủ vườn hoa tại xã Nghi Ân) cho biết, người dân trồng hoa ở Nghi Ân đang hy vọng vào một vụ hoa bội thu.
Cùng với đó, người trồng hoa ở xã Nghi Ân đang tập trung chăm sóc vườn hoa cúc, hoa lay ơn... để nở đúng thời điểm, phục vụ khách mua dịp Tết Nguyên đán. Ông Nguyễn Duy Thọ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghi Ân thông tin, địa phương có 3 làng nghề hoa cây cảnh, gồm: Kim Phúc, Kim Mỹ và Kim Chi với khoảng 100 hộ làm nghề. Ngoài ra, nhiều hộ kết hợp trồng và kinh doanh hoa, cây cảnh. Nghề trồng hoa, cây cảnh mang lại thu nhập khá cho các hộ dân, đặc biệt là vào dịp Tết Nguyên đán.