Lãnh đạo các nước Arab, vốn từ lâu đã bị chia rẽ bởi các thế lực thù địch trong khu vực, cho biết sẽ đưa ra một tiếng nói đoàn kết tại Hội nghị thượng đỉnh, để phản đối quyết định của Mỹ công nhận một vùng lãnh thổ của các nước Arab mà Israel chiếm đóng từ năm 1967.
Các nhà lãnh đạo Arab tới Tunisia tham dự Hội nghị thượng đỉnh. Nguồn: AP.
Hàng loạt thách thức
Các nhà lãnh đạo Arab hiện nay đang phải đối đầu với tình trạng bất ổn gia tăng ở Algeria và Sudan, sức ép từ cộng đồng quốc tế liên quan tới cuộc chiến ở Yemen, và sự chia rẽ sâu sắc giữa các nước này liên quan tới tầm ảnh hưởng của Iran ở khu vực Trung Đông, cũng như tranh chấp giữa một số quốc gia khu vực Vùng Vịnh.
Thêm vào đó, họ cũng phải đối mặt với thách thức mới sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký kết một tuyên bố hồi tuần trước công nhận Cao nguyên Golan thuộc chủ quyền của Israel - chỉ chưa đầy 4 tháng sau khi nước này công nhận thành phố thiêng Jerusalem là thủ đô của Israel. Người Palestine từ lâu đã coi vùng phía Đông Jerusalem là thủ đô của Nhà nước tương lai của họ.
Trước Hội nghị thượng đỉnh các nước Arab, giới chức nhóm này nói rằng kỳ họp tới sẽ tập trung vào vấn đề Cao nguyên Golan và các yêu cầu của người Palestine trong việc thành lập một Nhà nước độc lập ở khu vực Bờ Tây và Dải Gaza - các khu vực cũng bị Israel chiếm đóng kể từ cuộc chiến năm 1967.
Ngoại trưởng Lebanon Gebran Bassil hôm cuối tuần qua cho hay, Bộ trưởng các nước Arab đã thể hiện rõ sự ủng hộ của họ trong việc đưa ra một tuyên bố chung, trong đó nói rằng động thái của Mỹ gần đây đã vi phạm Hiến chương của LHQ đối với việc chiếm lãnh thổ bằng vũ lực.
Các nhà lãnh đạo cũng nhất trí sẽ ủng hộ quyền lấy lại Cao nguyên Golan của Syria và chủ quyền của Lebanon đối với các trang trại Shebaa, một dải đất nhỏ nằm sát Cao nguyên Golan mà chính quyền Beirut tuyên bố chủ quyền- ông Bassil cho hay.
Phát ngôn viên của Hội nghị thượng đỉnh lần này, ông Mahmoud Al-Khmeiry, nói rằng các nhà lãnh đạo Arab cũng nhắc lại lời kêu gọi thiết lập hòa bình đối với Israel để đổi lấy các vùng lãnh thổ của Arab đang bị chiếm đóng. Họ cũng khẳng định sẽ bác bỏ mọi đề xuất không phù hợp với các nghị quyết của LHQ.
Đưa ra tuyên bố trên, ông Khmeiry dường như đang nhắc tới kế hoạch hòa bình mà Mỹ vạch ra cho khu vực Trung Đông, trong đó nói rằng người Palestine đã từ chối tham gia các vòng đàm phán. Các cố vấn của Tổng thống Trump từng nói rằng, các động thái mới đây của ông về khu vực Trung Đông vấp phải những lời chỉ trích từ các nước Arab ít hơn so với dự đoán trước đó.
Chia rẽ sâu sắc
Nhưng dù cho sự phản đối nhằm vào các hành động của Israel mới đây có thể giúp Liên đoàn Arab (AL) gồm 22 nước thành viên đoàn kết hơn, các nước trong khối này vẫn chia rẽ sâu sắc về hàng loạt vấn đề, trong đó bao gồm các cuộc biểu tình dân chủ bùng phát ở khu vực này kể từ năm 2011 và về tầm ảnh hưởng của Iran ở Trung Đông.
Ông Ibrahim al-Assaf - Ngoại trưởng của Arab Saudi, hồi tuần trước nói rằng, đất nước tập trung đông cộng đồng Hồi giáo dòng Shi’ite Iran vẫn là một mối đe dọa lớn nhất đối với khu vực.
Hội nghị thượng đỉnh các nước Arab này sẽ là sự kiện đầu tiên chứng kiến các nhà lãnh đạo của Arab Saudi và Qatar cùng tham dự kể từ năm 2017, thời điểm mà Riyadh và các đồng minh áp đặt lệnh trừng phạt chính trị - kinh tế nhằm vào Doha. Arab Saudi và các nước đồng minh cáo buộc Qatar ủng hộ chủ nghĩa khủng bố và có quan điểm thân với Iran, cáo buộc mà Doha cực lực bác bỏ.
Lãnh đạo của hai nước Sudan và Algeria được cho là sẽ không đến tham dự Hội nghị lần này, bởi cả hai nước đang phải đối diện với làn sóng biểu tình chống Chính phủ.
Ông Abdelaziz Bouteflika - vị Tổng thống 82 tuổi đã cầm quyền ở Algeria suốt 20 năm qua, hiện đang đối mặt với nhiều cáo buộc tội ác chiến tranh từ các công tố viên quốc tế. Ông cũng đối mặt với làn sóng biểu tình rộng khắp kêu gọi ông từ chức.
Trong khi đó, Syria hiện vẫn đang bị AL “tẩy chay” kể từ năm 2011, do các cáo buộc chính quyền nước này đàn áp biểu tình. AL từng nói rằng, họ vẫn chưa đạt được sự đồng thuận cần thiết để cho phép Syria lấy lại tư cách thành viên của khối này.
* Ngày 25/3, tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký tuyên bố công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan trước sự chứng kiến của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Ông Trump ký tuyên bố chỉ vài ngày sau khi đăng trên Twitter cho rằng Cao nguyên Golan “vốn có tầm quan trọng đặc biệt về chiến lược và an ninh đối với Nhà nước Israel và ổn định khu vực”. Quyết định này của Tổng thống Mỹ đã đảo ngược chính sách Trung Đông hàng chục năm qua của Mỹ và vấp phải sự phản đối của cộng đồng quốc tế.