Hiện nay các tỉnh từ Quảng Bình đến Ninh Thuận đang khẩn cấp ứng phó với cơn bão số 3. Hiện tại Quảng Nam đã có mưa lớn trên diện rộng, gây ngập cục bộ ở một số nơi.
Ngư dân Quảng Ngãi đưa tàu vào bờ neo tàu trú bão
Còn theo báo cáo nhanh sáng ngày 14-9 của Chi cục Phòng chống thiên tai Khu vực miền Trung và Tây Nguyên (CC PCTT – MTTN) về tình hình cơn bão số 3 cho biết, hồi 4 giờ ngày 14-9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,7 độ vĩ Bắc; 110,6 độ kinh Đông, trên vùng biển Tây Nam quần đảo Hoàng Sa, cách bờ biển Đà Nẵng-Quảng Ngãi khoảng 220km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 9-10. Trong khoảng 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng tây, mỗi giờ đi được 10-15km. Đến 16 giờ chiều 14-9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,8 độ Vĩ Bắc; 108,9 độ Kinh Đông, trên vùng biển ven bờ Đà Nẵng-Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 9-10.
Hiện nay do ảnh hưởng của bão, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) và vùng biển ngoài khơi Trung Trung Bộ có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 9-10. Biển động mạnh. Khu vực ven biển các tỉnh Quảng Bình - Quảng Ngãi từ chiều 14-9 có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3. Trong khi đó, do ảnh hưởng của ATNĐ, từ ngày 14 đến 16-9, ở các tỉnh Trung Trung Bộ và Bắc Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to đến rất to. Như tại Quảng Bình có lượng mưa phổ biến từ 100-130mm, các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi, Ninh Thuận và khu vực Tây Nguyên có lượng mưa phổ biến từ 30-60mm. Trên các sông từ Nghệ An đến Quảng Ngãi và khu vực Bắc Tây Nguyên sẽ xuất hiện một đợt lũ có khả năng lên mức BĐ1 đến BĐ3. Đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng vùng trũng tại các tỉnh trên.
Ngư dân Quảng Nam neo tàu trú bão
Tính đến 22 giờ 00 ngày 13-9, đã thông báo và hướng dẫn cho tổng số 29.012 tàu/124.747 LĐ biết vị trí, hướng di chuyển của ATNĐ để chủ động trú tránh, trong đó khu vực Hoàng Sa 18 tàu/144 LĐ (Bình Định). Các khu vực khác có 4.694 tàu/33.685 LĐ. Neo đậu tại bến, hoạt động ven bờ đi về trong ngày 24.300 tàu/90.918 LĐ.
Trong khi đó đã có một số tàu bị nạn đã được cứu hộ như tàu HD 1597 (chủ tàu Lê Văn Bính quê Hải Dương) vào lúc 11 giờ ngày 13/9, trên tàu có 04 LĐ, đang thi công nạo vét cửa Gianh thì mắc cạn và chìm, đến 12 giờ cùng ngày, tàu CBCS của Hải đội 2 đã tiếp cận và cứu vớt được 4 thuyền viên, và đang trên đường đưa vào bờ, tàu HD 1597 đã chìm hoàn toàn. Tàu QB 92780 TS (chủ tàu Lê Văn Chung, ở Đức Trạch, Bố Trạch) vào lúc 9 giờ ngày 13-9 tàu bị mắc cạn ở bờ nam Nhật Lệ, các thuyền viên đã vào bờ an toàn, BCH BĐBP đã huy động 5 tàu cá cứu kéo nhưng do thời tiết xấu nên chưa khắc phục được, hiện lực lượng hỗ trợ vẫn đang tiếp tục hỗ trợ tàu bị nạn. Tàu BĐ 91052 TS (của ông Phạm Thanh Trưởng, trú P. Đống Đa, Quy Nhơn) lúc 11 giờ ngày 13-9 bị hỏng máy thả trôi tại vị trí 11043’ VB, 110052’ KĐ (cách Nha Trang 103 hải lý), trên tàu có 13 LĐ, tàu đã liên lạc được với tàu cùng tổ đội, nhưng do vùng bị nạn hiện nay có sóng, gió cấp 5 nên dự kiến đến chiều 14-9 mới tiếp cận được. Ngoài ra, Tàu BĐ 40831 TS có 1 thuyền viên là Phạm Văn Nghĩa mất tích lúc 22 giờ ngày 11-9, hiện tàu BĐ 40831 TS và BĐ 94781 TS vẫn tiếp tục tìm kiếm...
Ngư dân Đà Nẵng đưa tàu vào bờ neo tàu trú bão
Để đối phó vứi cơn bão số 3. hiện VPTT BCĐ TW về PCTT - UBQG TKCN đã có Công điện số 25/CĐ-TW và Công điện số 26/CĐ-TW hồi 24 giờ 00 phút ngày 13-9 gửi BCH PCTT&TKCN các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận và các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk cùng các Bộ, ngành liên quan về việc chủ động ứng phó với diễn biến với bão và tình hình mưa lũ. Trong ngày, các tỉnh thành phố Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định đã có Công điện, báo cáo về công tác chủ động triển khai ứng phó với diễn biến với bão và tình hình mưa lũ. BCH PCLB&TKCN các địa phương cũng đã chỉ đạo theo dõi sát sao tình các hồ chứa thủy lợi, thủy điện cũng như qua trình QLVH các nhà máy thủy điên và sẵn sàng ứng phó với cơn bão số 3./.