Hiện nay các tỉnh Nam Trung bộ đã chủ động sẵn sảng ứng phó với bão số 12 trên mọi tình huống. Đến 8 giờ sáng ngày 10/11 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã có mưa to đến rất to, gió cũng ngày càng mạnh lên, đặc biệt ở huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa.
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, sáng ngày 10/11 bão số 12 sẽ đổ bộ vào đất liền từ Bình Định đến Ninh Thuận vào trưa ngày 10/11, mà trung tâm bão là TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Sau đó đến chiều cùng ngày bão suy yếu thành vùng áp thấp nhiệt đới trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên và tan dần.
Chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tấn Tuân, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, xung quanh về các phương án ứng phó bão, mưa lớn, sạt lở đất do bão số 12 gây ra: Để làm tốt việc ứng phó với bão số 12, chúng tôi đã chủ động ngay từ mấy hôm trước, yêu cầu chủ tịch UBND các huyện thị thành phố, cũng như các ngành chức năng, chủ động trên phương châm 4 tại chỗ, chủ động cho các cấp trường học được nghỉ học trong ngày 10/11. Nắm bắt rõ số lượng cũng như từng lao động trên các lồng bè trên địa bàn toàn tỉnh, để chỉ đạo, phối hợp với bộ đội Biên phòng, chính quyền địa phương tuyên truyền, hướng dẫn người dân chằng néo lồng bè, yêu cầu các lao động không ở lại lồng bè.
Trên địa bàn có 4.026 tàu cá/khoảng 18.923 lao động. Hiện có 161 tàu/1.344 người đang hoạt động đánh bắt trên biển, cụ thể: Vùng biển Trường Sa có 71 tàu, 629 thuyền viên; vùng biển Khánh Hòa 23 tàu, 132 thuyền viên; vùng biển ven bờ Ninh Thuận - Bình Thuận 28 tàu, 240 thuyền viên; vùng biển phía Nam 39 tàu, 343 thuyền viên. Hiện các tàu nêu trên đã nắm được thông tin, vùng nguy hiểm của cơn bão để chủ động tránh trú an toàn.
Tại 174 vị trí được xác định có nguy cơ sạt lở (dự kiến sơ tán khoảng 23.350 người dân) hiện các địa phương đang cảnh báo người dân sẵn sàng sơ tán; 110 điểm ngầm, cầu, tràn nguy hiểm sẽ được bố trí lực lượng chốt chặn khi có mưa, lũ lớn.
Về công tác đảm bảo an toàn cho 31 hồ chứa nước trên toàn tỉnh, hiện nay tổng dung tích các hồ chứa là 154,7 triệu m3, đạt 62% so với tổng dung tích thiết kế các hồ là 250 triệu m3. Các hồ chứa nước có dung tích đạt trên 80% gồm: Hoa Sơn (80%), Đá Đen (82%), Am Chúa (86%), Suối Dầu (84%), Suối Hành (81%).
Các đơn vị quản lý hồ chứa đã tổ chức trực ban 24/24h theo dõi diễn biến bão, mưa lũ để tính toán lưu lượng nước về hồ và căn cứ tình hình vùng hạ du để điều tiết, tích nước, xả lũ hợp lý nhằm đảm bảo an toàn công trình và hạn chế ngập lụt cho vùng hạ du.
Phú Yên cũng là một trong các tỉnh mà bão số 12 đi qua, do vậy UBND tỉnh Phú Yên đã chỉ đạo cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đôn đốc chỉ đạo công tác ứng phó với mưa bão trên địa bàn; kiên quyết di dời, sơ tán người, và phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực ven biển, trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản, nơi có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, ngập lụt.
Thời gian hoàn thành di dời trước 18 giờ ngày 9/11. Đồng thời, các địa phương tổ chức lực lượng rà soát các khu dân cư vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, các tuyến đường đi qua ngầm tràn; cắm biển báo, cấm, bố trí lực lượng chốt chặn để người dân biết, chủ động phòng tránh, hạn chế đi lại. Nhằm giảm xuống mức thấp nhất thiệt hại về người và của khi bão 12 đi qua.