Triển khai nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia 1719, Ban Dân tộc tỉnh Bình Thuận đã vận dụng triển khai chính sách đầu tư ứng trước và trợ cước vận chuyển giống, vật tư… cho các hộ đồng bào DTTS có đất sản xuất nông nghiệp nhưng không có vốn đầu tư. Cách làm này đã góp phần giúp đồng bào có đủ giống, vật tư nông nghiệp đảm bảo chất lượng để sản xuất.
Chính sách chỉ có ở Bình Thuận
Thông qua Trung tâm Dịch vụ miền núi, Ban Dân tộc tỉnh Bình Thuận đã triển khai chính sách đầu tư ứng trước, trợ cước vận chuyển giống, vật tư..., đồng thời thu mua nông sản cho bà con đồng bào DTTS với giá ổn định hơn so với thị trường. Chính sách đầu tư ứng trước không chỉ giúp các hộ đồng bào có đủ giống, vật tư phân bón, hàng hóa để sản xuất mà còn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu trước đây.
Thực hiện chính sách đầu tư ứng trước, hàng năm Trung tâm Dịch vụ và miền núi tỉnh đều phối hợp với các đơn vị trong và ngoài tỉnh tổ chức 15 lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, sử dụng phân bón hiệu quả và cách thức diệt trừ sâu bệnh phá hoại trên cây bắp lai, lúa nước trên 1.500 lượt hộ tham dự. Cùng với đó, tổ chức từ 1 đến 2 hội thảo đầu bờ mô hình trình diễn giống bắp lai mới với mục đích từng bước giúp bà con đưa giống mới vào sản xuất tăng năng suất và hiệu quả kinh tế cao trong những vụ tiếp theo.
Có thể nói, chính sách đầu tư ứng trước là chính sách đặc thù và ưu việt nổi trội mà chỉ tỉnh Bình Thuận mới có. Theo đánh giá của Ban Dân tộc tỉnh, hiệu quả của chính sách đầu tư ứng trước đã góp phần giúp các hộ đồng bào DTTS có đủ vật tư, hàng hóa để phát triển sản xuất, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, ép giá trong vùng đồng bào DTTS, đời sống ngày càng được nâng lên rõ rệt; từng bước góp phần giảm đáng kể tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo trên vùng đồng bào DTTS của tỉnh.
Vươn lên nhờ chính sách
Chính sách đầu tư ứng trước đã giúp các hộ đồng bào có đủ giống, vật tư phân bón, hàng hóa để sản xuất và nâng cao đời sống, ổn định kinh tế - xã hội.
Xã Hàm Cần (Hàm Thuận Nam) là một trong các xã miền núi, vùng cao của tỉnh thực hiện chính sách đầu tư ứng trước cây bắp lai. Bắp lai vẫn là cây trồng chủ lực góp phần xóa đói giảm nghèo, đem lại thu nhập ổn định cho đồng bào DTTS nơi đây. Đăng ký đầu tư ứng trước, đồng bào Rai được cung ứng giống, vật tư, hỗ trợ kỹ thuật trồng chăm sóc, tham gia các lớp hội thảo trình diễn giống mới kháng bệnh, cho năng suất cao. Đến mùa thu hoạch bắp lai được bao tiêu giá thu mua với giá ổn định. Năm 2023, xã Hàm Cần đồng bào nhận đầu tư ứng trước sản xuất ha bắp lai với tổng số tiền đầu tư 5,6 tỷ đồng. Thời tiết tương đối thuận lợi, bắp phát triển tốt, dự kiến sản lượng thu mua khoảng 4.000 tấn, một số hộ dân sẽ thu hoạch sớm bắt đầu từ giữa tháng 9. Các hộ nhận đầu tư ứng trước đều rất phấn khởi khi được tỉnh tạo điều kiện đầu tư phân giống sản xuất bởi đây là nỗi lo lớn nhất mỗi vụ sản xuất. Đến mùa thu hoạch, bắp làm ra được cửa hàng, đại lý thu mua tại chỗ, giá ổn định, sau khi trừ chi phí đem về khoản thu nhập khá, đời sống đồng bào được cải thiện.
Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả từng bước chuyển đổi ở vùng đồng bào DTTS trong tỉnh, như mô hình thâm canh trên diện tích đất lúa năng suất thấp sang thực hiện canh tác 1 vụ bắp, 1 vụ lúa nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng vùng. Các hoạt động khuyến nông, hướng dẫn đồng bào ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào trồng trọt thường xuyên tổ chức hỗ trợ bà con. Nhờ đó, năng suất, chất lượng và hiệu quả tăng khá, như năng suất lúa nước bình quân đạt 55 tạ/ha, bắp lai 60 - 70 tạ/ha, có nơi đạt 80 - 90 tạ/ha… Sản xuất nông nghiệp vùng đồng bào DTTS tỉnh từng bước phát triển, phù hợp với quy hoạch từng địa phương, thu nhập và đời sống của đồng bào từng bước được nâng lên.
Ông Hoàng Văn Điền, người dân ở thôn Dân Hiệp, xã Thuận Hoà, huyện Hàm Thuận Bắc chia sẻ: Nhìn chung, đời sống của bà con trong thôn gặp rất nhiều khó khăn. Khi chưa có chính sách cho ứng trước, mỗi khi vào vụ sản xuất, bà con không có tiền để mua giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… nên bà con phải đi vay, mượn lãi xuất cao. Gặp vụ mất mùa, sản phẩm làm ra không đủ để trả nợ. Từ khi Trung tâm Dịch vụ miền núi triển khai chính sách cho ứng trước và thu mua lại nông sản của bà con với giá cao, bà con ai cũng vui, yên tâm sản xuất. Theo ông Điền, đây là một chính sách hay, phù hợp với đời sống thực tế của người dân. Trong 2 năm trở lại đây, từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, địa phương đã đầu tư hệ thống kênh nội đồng, dẫn nước từ hồ Sông Khán, tưới tiêu cho đồng ruộng nên năng xuất cây trồng cũng được nâng lên, đời sống người dân dần được cải thiện.