Nhiều nhà sản xuất hài Tết hướng đến tiêu chí: “Không phải tư duy mà lại được cười rộn rã, vui mệt nghỉ”. Đây cũng là xu hướng làm phim hài từ nhiều năm nay. Thế nhưng, bên cạnh những tác phẩm hài chất lượng, nghiêm túc, được đầu tư kỹ lưỡng không ít nhà sản xuất còn câu kéo khán giả bằng những mảng hài nhảm, nhạt, thậm chí là nhí nhố, vô bổ.
"Hài nhảm" le lói xuất hiện mùa Tết
Giới chuyên môn đánh giá, những bộ phim hài hời hợt làm cho có lệ hay khán giả còn gọi là những bộ phim "hài nhảm" sau một thời gian chiếm lĩnh thị trường phim ảnh trong nước đến nay đã đi đến giai đoạn thoái trào.
Theo đạo diễn Ngô Quang Dũng, "hài nhảm" ở thời kỳ đỉnh cao cách đây 7- 8 năm về trước. Do yêu cầu của người xem thay đổi, ngày nay, "hài nhảm" ít xuất hiện hơn vì thiếu đi sự quan tâm từ khán giả.
Đạo diễn “Nhà của Pao” chia sẻ: “Mặc dù rơi vào giai đoạn thoái trào, nhưng "hài nhảm" vẫn được quan tâm bởi tính vui nhộn, giải trí vốn có. Nếu như ngày xưa, dịp Tết phần đa các bộ phim đều là "hài nhảm" thì ngày nay con số đấy chỉ được đếm trên đầu ngón tay”.
Dịp Tết Nguyên đán năm 2023, các bộ phim "hài nhảm" tiếp tục được giới thiệu đến khán giả. Trong đó, "Thói đời", "Khi Cuội yêu", "Tết đú - đú Tết", "Mr. Lù 4: Chuyến hàng cuối năm", "Làng ế vợ 7", "Mất vợ vì rượu 2", "Để cho thầy lấy vợ", "Chọc vợ Tây Bắc", "Tết này ai là bố", "Cưới ngay kẻo ế 5"... là những bộ phim gây chú ý.
Nhìn chung, một vài năm trở lại đây, "hài nhảm" xuất hiện với nội dung đa dạng, thể loại phong phú. Dù số lượng ít đi song những nội dung xuất hiện trong các bộ phim "hài nhảm" cũng khiến người xem lo lắng vì tính "nhắng nhít", vô bổ của nó.
Có thể thấy, cùng với thời đại công nghệ 4.0, "hài nhảm" có nhiều hệ sinh thái để phát triển sau khi ngành sản xuất băng đĩa đi xuống. Với hàng loạt tác phẩm "hài nhảm", hài dung tục, câu khách bằng yếu tố hở hang, phản cảm, "hài nhảm" trở thành nỗi lo cho cả những bậc phụ huynh có con nhỏ.
Cách nào để ngăn chặn "hài nhảm"?
Trao đổi với báo chí về việc kiểm soát các nội dung "hài nhảm" trên nền tảng xã hội, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, các nội dung được ra mắt trên các nền tảng đều có sự thẩm định trong việc có ảnh hưởng và vi phạm về văn hóa hay không. Giống như MV của Sơn Tùng vừa rồi, bên Cục nghệ thuật biểu diễn phải có ý kiến về vi phạm liên quan đến lĩnh vực gì. Sau đó Bộ Thông tin và Truyền thông mới đưa ra hướng xử lý phù hợp, xử phạt hoặc gỡ bỏ.
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng văn phòng Luật sư Kết nối thông tin, hiện nay, theo Nghị định 144/2020/NĐ-CP, pháp luật nghiêm cấm hành vi sử dụng trang phục, từ ngữ, âm thanh, hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn hành vi trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc, tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội.
Bên cạnh đó, trong bộ quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật quy định, người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật tuân thủ các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ; không sáng tác, lưu hành, phổ biến, biểu diễn những tác phẩm có nội dung không phù hợp với giá trị đạo đức, văn hóa và truyền thống của dân tộc, gây tác động tiêu cực đến tư tưởng, thẩm mỹ của công chúng.
Luật sư Hùng cho rằng, mặc dù đã có quy định song thực trạng các nội dung nhảm vẫn xuất hiện tràn lan trên thị trường nhằm mục đích giật gân, câu khách, kiếm lợi nhuận. Đối với những đơn vị sản xuất, những người làm sáng tạo nội dung, việc xây dựng cho mình 1 hình ảnh đẹp, lành mạnh thì chắc chắn sẽ có một chỗ đứng nhất định trong lòng người xem.
“Việc sản xuất những nội dung độc hại không chỉ ảnh hưởng đến chính đơn vị sản xuất, bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật mà còn người xem, đặc biệt là đối tượng trẻ em, những người chưa nhận biết được mức độ độc hại của nội dung. Bên cạnh đó, mỗi người dân cũng cần nâng cao ý thức trách nhiệm của mình. Hãy trở những người xem thông minh, tỉnh táo, theo dõi có chọn lọc các nội dung lành mạnh, hữu ích, đồng thời kiên quyết phê phán, lên án, tẩy chay các nội dung nhảm nhí, độc hại. Sử dụng sức mạnh cộng đồng là cách nhanh nhất, hiệu quả nhất để loại bỏ những nội dung nhảm nhí độc hại. Ðồng thời cũng là sự trả lời, cảnh cáo đích đáng tới các cá nhân cố tình trục lợi, kiếm tiền bất chính bằng việc sản xuất, chia sẻ các nội dung nhảm nhí, đi ngược các giá trị tốt đẹp của cộng đồng, xã hội”, luật sư Hùng nhấn mạnh.
“Ðối với các đối tượng sản xuất video, nội dung nhảm nhí, độc hại sẽ bị xử phạt lên đến 40.000.000 đồng đối với hành vi lưu hành bản ghi âm, ghi hình có nội dung kích động bạo lực; ảnh hưởng xấu đến quan hệ đối ngoại; sử dụng trang phục, từ ngữ, âm thanh, hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn hành vi trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc; tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội theo quy định tại Nghị định 38/2021/NĐ-CP”, Luật sư Hùng thông tin thêm.