Virus Corona mới (SARS- CoV-2) được cho là lây lan nhanh. Vậy để phòng, chống loại virus này như thế nào? Phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã trao đổi với Bác sĩ CKII Ngô Thế Hoàng, Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Thống Nhất về cách phòng, chống và điều trị của chủng virus SARS-CoV-2.
Thưa bác sĩ, được biết biến chủng virus SARS- CoV-2 được cho là lây lan nhanh. Vậy cách phòng, chống loại virus này khác với Covid-19 như thế nào?
Bác sĩ CKII Ngô Thế Hoàng: Trong quá trình lưu hành, sau nhiều lần sao chép và nhân bản, SARS-CoV-2 bị đột biến gen, dần dần làm xuất hiện các dạng biến thể. Đột biến này không làm thay đổi đặc tính của virus, nhưng có thể ảnh hưởng đến đặc tính sinh học như làm tăng khả năng lây nhiễm, giúp virus có khả năng lẩn tránh hệ miễn dịch hay làm tăng khả năng xâm nhập vào các tế bào biểu mô đường hô hấp. Các biến thể đáng quan ngại, liên quan đến gia tăng lây lan; làm thay đổi tiêu cực tình hình dịch tễ; tăng độc lực virus nên làm nặng lên biểu hiện lâm sàng; giảm hiệu quả các biện pháp y tế công cộng, giảm hiệu quả của vaccine, xét nghiệm chẩn đoán, liệu pháp điều trị. Ở nước ta, đã ghi nhận xuất hiện của các biến thể B.1.1.7 (phát hiện ở Anh), B.1.351 (ở Nam Phi) và B.1.617 (ở Ấn Độ) có thể gây ảnh hưởng rất lớn đến khả năng lây lan, độ nặng của bệnh, công tác xét nghiệm, tránh miễn dịch và điều trị.
Trước những diễn biến phức tạp và khó lường của dịch bệnh, để bảo đảm an toàn cho chính bản thân, gia đình và cộng đồng, giảm thiểu tối đa khả năng lây lan của các biến thể SARS-CoV-2, chúng ta cần phải kiểm soát chặt nhập cảnh, quá cảnh, các khu cách ly tập trung, cách ly tại nhà. Phát hiện sớm các ca F0 trong cộng đồng, điều tra, truy vết, khoanh vùng và cách ly người tiếp xúc. Cách ly vẫn là biện pháp hiệu quả nhất để giảm, cắt đứt đường lây của SARS-CoV2. Tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc cách ly, giữ khoảng cách giữa người với người.
Triệu chứng khi mắc và điều trị chủng virus SARS- CoV-2 như thế nào, thưa bác sĩ?
Bác sĩ CKII Ngô Thế Hoàng: Triệu chứng là sốt, ho khan, mệt mỏi và đau cơ. Có thể bị đau họng, nghẹt mũi, chảy nước mũi, đau đầu, ho có đờm, nôn và tiêu chảy. Một số trường hợp có biểu hiện rối loạn khứu giác hoặc tê lưỡi.
Sau đó, diễn biến của bệnh: Hầu hết người bệnh chỉ sốt nhẹ, ho, mệt mỏi, không bị viêm phổi và thường tự hồi phục sau khoảng một tuần. Tuy nhiên, một số trường hợp không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng nào. Khoảng gần 20% số bệnh nhân diễn biến nặng, thời gian trung bình từ khi có triệu chứng ban đầu tới khi diễn biến nặng thường khoảng 5-8 ngày. Các biểu hiện nặng bao gồm viêm phổi, viêm phổi nặng cần nhập viện…Trong đó khoảng 5% cần điều trị tại các đơn vị hồi sức tích cực với các biểu hiện hô hấp cấp (thở nhanh, khó thở, tím tái, …), hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS), rối loạn đông máu, tổn thương vi mạch gây huyết khối và tắc mạch, viêm cơ tim, sốc nhiễm trùng, suy chức năng các cơ quan bao gồm tổn thương thận và tổn thương cơ tim, dẫn đến tử vong. Nên đến khám bệnh tại cơ sở y tế để được sàng lọc, làm xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán bệnh cũng như đánh giá mức độ của bệnh.
Ca bệnh (F0) nhẹ hoặc không có triệu chứng (viêm đường hô hấp trên, viêm phổi nhẹ) điều trị tại các buồng bệnh thông thường… Ca bệnh nặng (viêm phổi nặng, nhiễm trùng huyết) hoặc ca bệnh nhẹ ở người có các bệnh mãn tính hay người cao tuổi cần được điều trị tại các buồng bệnh hồi sức tích cực. Ca bệnh nặng-nguy kịch (suy hô hấp nặng, ARDS, sốc nhiễm trùng, suy đa cơ quan) cần được điều trị hồi sức tích cực.
Do chưa có thuốc đặc hiệu, điều trị hỗ trợ và điều trị triệu chứng là chủ yếu. Cá thể hóa các biện pháp điều trị cho từng trường hợp, đặc biệt là các ca bệnh nặng - nguy kịch, có thể áp dụng một số phác đồ điều trị nghiên cứu được Bộ Y tế cho phép. Theo dõi, phát hiện và xử trí kịp thời các tình trạng nặng, biến chứng của bệnh.
Các biện pháp theo dõi và điều trị chung: Nghỉ ngơi tại giường, phòng bệnh cần được đảm bảo thông thoáng (mở cửa sổ, không sử dụng điều hòa), có thể sử dụng hệ thống lọc không khí hoặc các biện pháp khử trùng phòng bệnh khác như đèn cực tím (nếu có). Vệ sinh mũi họng, có thể giữ ẩm mũi bằng nhỏ dung dịch nước muối sinh lý, súc miệng họng bằng các dung dịch vệ sinh miệng họng thông thường. Giữ ấm, uống đủ nước, đảm bảo cân bằng dịch, điện giải. Thận trọng khi truyền dịch cho người bệnh viêm phổi nhưng không có dấu hiệu của sốc.
Ngoài ra, đảm bảo dinh dưỡng và nâng cao thể trạng, bổ sung vitamin nếu cần thiết. Với các người bệnh nặng - nguy kịch, áp dụng hướng dẫn dinh dưỡng của Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc đã ban hành. Hạ sốt nếu sốt cao, có thể dùng paracetamol liều 10-15 mg/kg/lần, không quá 60 mg/kg/ngày cho trẻ em và không quá 2 gam/ngày với người lớn. Giảm ho bằng các thuốc giảm ho thông thường nếu cần thiết. Bên cạnh đó, đánh giá, điều trị, tiên lượng các tình trạng bệnh lý mãn tính kèm theo (nếu có).
Theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu lâm sàng, tiến triển của tổn thương phổi trên phim X-quang và/hoặc CT phổi, đặc biệt trong khoảng ngày thứ 7-10 của bệnh, phát hiện các dấu hiệu tiến triển nặng của bệnh như suy hô hấp, suy tuần hoàn để có các biện pháp can thiệp kịp thời.
Nếu tiêm chủng đủ 2 mũi vaccine có phòng ngừa được virus SARS-CoV-2 không thưa bác sĩ?
Bác sĩ CKII Ngô Thế Hoàng: Tiêm vaccine rất cần thiết để phòng, chống dịch SARS-CoV-2, nhưng phải tiêm sớm và tiêm đủ liều theo hướng dẫn của Bộ Y tế để có đủ miễn dịch bảo vệ. Khi tỷ lệ bao phủ vaccine cao, không chỉ giúp cho cá nhân được bảo vệ bệnh nặng, tử vong mà còn giảm sự lây nhiễm SARS-CoV-2, ngăn lây lan và phát sinh các biến thể mới.
Ngoài ra, người dân phải nâng cao ý thức phòng chống dịch trong cộng đồng, không để xảy ra "sự kiện siêu lây nhiễm" khi giao lưu đi lại nhiều, tụ tập đông người; ở lại lâu trong các môi trường, không gian kín, kém thông khí, trong thời gian lâu...là hành vi làm gia tăng đáng kể nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2. Mỗi người dân bắt buộc phải thực hiện nghiêm quy tắc 5K: Khẩu trang - Khử khuẩn - Giữ Khoảng cách an toàn - Không tập trung - Khai báo y tế.