Ông Đỗ Văn Nguyên (huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) đề nghị cơ quan chức năng giải đáp về việc hưởng trợ cấp lần đầu theo quy định tại Điều 6, Nghị định 116/2010/NĐ-CP ngày 24/10/2010 của Chính phủ.
Ông Nguyên đề nghị hướng dẫn 2 trường hợp như sau:
Một cán bộ nữ đến công tác tại UBND xã năm 2012, năm 2014 thì xã được công nhận là xã có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn liên tục đến thời điểm hiện tại (năm 2018), vậy trường hợp này có được coi là "đến công tác ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn từ 3 năm trở lên đối với nữ" và có được hưởng trợ cấp lần đầu bằng 10 tháng lương tối thiểu hay không?
Trường hợp thứ hai, cán bộ nữ đến công tác từ tháng 6/2015 đến năm 2018 tại UBND xã có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn. Đến tháng 6/2018 thì cán bộ này đủ 3 năm công tác tại xã đặc biệt khó khăn, vậy cán bộ có được hưởng trợ cấp lần đầu hay không? Nếu có thì thủ tục đề nghị hưởng trợ cấp như thế nào?
Sở Nội vụ tỉnh Yên Bái trả lời như sau:
Điều 6 Nghị định số 116/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ quy định:
“Đối tượng đến công tác ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn từ 3 năm trở lên đối với nữ và từ 5 năm trở lên đối với nam được hưởng trợ cấp như sau:
1. Trợ cấp lần đầu bằng 10 tháng lương tối thiểu chung;
2. Trường hợp có gia đình chuyển đi theo thì ngoài trợ cấp lần đầu, còn được trợ cấp tiền tàu xe, cước hành lý cho các thành viên trong gia đình cùng đi và hưởng trợ cấp chuyển vùng bằng 12 tháng lương tối thiểu chung cho hộ gia đình;
3. Chỉ thực hiện một lần mức trợ cấp quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này trong cả thời gian công tác ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn”.
Đối chiếu với quy định trên thì trường hợp thứ 2, “nữ đến công tác từ tháng 6/2015 tại UBND xã đang là xã đặc biệt khó khăn và liên tục đến năm 2018” đủ điều kiện hưởng trợ cấp lần đầu theo quy định.
Về thủ tục đề nghị hưởng trợ cấp lần đầu đề nghị ông Đỗ Văn Nguyên đến Phòng Nội vụ huyện Yên Bình để được hướng dẫn cụ thể.