Nghị định số 29/2023/NĐ-CP ngày 3/6/2023 quy định về tinh giản biên chế, có hiệu lực thi hành từ ngày 20/7/2023 quy định về cách xác định thời gian và tiền lương để tính hưởng trợ cấp tinh giản biên chế.
Ngày 3/6/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 29/2023/NĐ-CP quy định về tinh giản biên chế, có hiệu lực thi hành từ ngày 20/7/2023. Các chế độ chính sách quy định tại Nghị định này được áp dụng đến hết ngày 31/12/2030.
Điều 10, Nghị định số 29/2023-NĐ/CP quy định cách xác định thời gian và tiền lương để tính hưởng trợ cấp tinh giản biên chế như sau:
Tiền lương hiện hưởng là tiền lương tháng liền kề trước khi tinh giản biên chế.
Tiền lương tháng được tính bao gồm: mức lương theo ngạch, bậc, chức vụ, chức danh, chức danh nghề nghiệp hoặc mức lương theo thỏa thuận của hợp đồng lao động hoặc mức lương của người quản lý công ty; các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề, tiền lương và mức chênh lệch bảo lưu (nếu có) theo quy định của pháp luật về tiền lương.
Tiền lương bình quân là tiền lương tháng bình quân của 05 năm cuối (60 tháng) trước khi tinh giản biên chế.
Riêng đối với những trường hợp chưa đủ 05 năm (chưa đủ 60 tháng) công tác có đóng bảo hiểm xã hội, thì tiền lương tháng bình quân của toàn bộ thời gian công tác.
Thời điểm được dùng làm căn cứ để tính đủ tuổi đời hưởng chế độ, chính sách nghỉ hưu trước tuổi là ngày 01 tháng sau liền kề với tháng sinh của đối tượng; trường hợp trong hồ sơ của đối tượng không xác định ngày, tháng sinh trong năm thì lấy ngày 01 tháng 01 của năm sinh của đối tượng.
Thời gian để tính trợ cấp quy định tại Điều 5, Điều 6, Điều 7 và Điều 8 Nghị định này là tổng thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc (theo số bảo hiểm xã hội của mỗi người) nhưng chưa hưởng trợ cấp thôi việc hoặc chưa hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần hoặc chưa hưởng chế độ phục viên, xuất ngũ.
Nếu tổng thời gian tính trợ cấp có tháng lẻ thì được tính tròn theo nguyên tắc: từ 01 tháng đến đủ 06 tháng tính là 1/2 năm và được hưởng trợ cấp bằng mức trợ cấp của 1/2 năm; từ trên 06 tháng đến dưới 12 tháng tính tròn là 01 năm.
Thời gian để tính trợ cấp nghỉ hưu trước tuổi quy định tại Điều 5, Điều 8 Nghị định này nếu có số tháng lẻ thì được tính tròn theo nguyên tắc: từ 01 tháng đến đủ 06 tháng tính là 1/2 năm và được hưởng trợ cấp bằng mức trợ cấp của 1/2 năm; từ trên 06 tháng đến dưới 12 tháng tính tròn là 01 năm.
3 nhóm đối tượng nào thuộc diện tinh giản biên chế
Cụ thể, theo Điều 2 Nghị định 29/2023/NĐ-CP có 3 nhóm đối tượng thực hiện chính sách tinh giản biên chế gồm:
1. Cán bộ, công chức, viên chức; cán bộ, công chức cấp xã và người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động không xác định thời hạn trong các cơ quan hành chính được áp dụng chế độ, chính sách như công chức theo quy định của Chính phủ, nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Dôi dư do rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự theo quyết định của cấp có thẩm quyền hoặc dôi dư do đơn vị sự nghiệp công lập sắp xếp tổ chức bộ máy, nhân sự để thực hiện cơ chế tự chủ;
b) Dôi dư do sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo quyết định của cấp có thẩm quyền;
c) Dôi dư do cơ cấu lại cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, nhưng không thể bố trí, sắp xếp được việc làm khác hoặc bố trí được việc làm khác nhưng cá nhân tự nguyện tinh giản biên chế và được cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý;
d) Chưa đạt trình độ đào tạo theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ quy định đối với vị trí việc làm đang đảm nhiệm, nhưng không có vị trí việc làm khác phù hợp để bố trí và không thể bố trí đào tạo lại để chuẩn hóa về chuyên môn, nghiệp vụ hoặc được cơ quan bố trí việc làm khác nhưng cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý;
đ) Có 02 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, cán bộ, công chức, viên chức có 01 năm xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành nhiệm vụ và 01 năm không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp; trong năm trước liền kề hoặc trong năm thực hiện xét tinh giản biên chế xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành nhiệm vụ trở xuống nhưng cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý;
e) Có 02 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế mà trong từng năm đều có tổng số ngày nghỉ làm việc bằng hoặc cao hơn số ngày nghỉ tối đa do ốm đau theo quy định tại khoản 1 Điều 26 Luật Bảo hiểm xã hội, có xác nhận của cơ quan Bảo hiểm xã hội chi trả trợ cấp ốm đau theo quy định hiện hành của pháp luật; trong năm trước liền kề hoặc trong năm thực hiện xét tinh giản biên chế có tổng số ngày nghỉ làm việc bằng hoặc cao hơn số ngày nghỉ tối đa do ốm đau theo quy định tại khoản 1 Điều 26 Luật Bảo hiểm xã hội, có xác nhận của cơ quan Bảo hiểm xã hội chi trả trợ cấp ốm đau theo quy định hiện hành của pháp luật, cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý;
g) Cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý thôi giữ chức vụ, chức danh do sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính theo quyết định của cấp có thẩm quyền, cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý;
h) Cán bộ, công chức, viên chức đang trong thời gian bị kỷ luật nhưng chưa đến mức bị bãi nhiệm hoặc bị buộc thôi việc theo quy định của pháp luật tại thời điểm xét tinh giản biên chế, cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế, được cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý.
2. Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động không xác định thời hạn thực hiện các công việc chuyên môn nghiệp vụ thuộc danh mục vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành và vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung trong đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của Chính phủ dôi dư do sắp xếp lại tổ chức hoặc cơ cấu lại nhân lực của đơn vị theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
3. Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố dôi dư do sắp xếp thôn, tổ dân phố khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã nghỉ trong thời gian 12 tháng kể từ khi có quyết định sắp xếp của cấp có thẩm quyền.
Áp dụng Nghị định 29/2023/NĐ-CP về tinh giản biên chế với các đối tượng khác
Áp dụng Nghị định 29/2023/NĐ-CP về tinh giản biên chế với các đối tượng khác theo Điều 18 như sau:
1. Người làm việc trong các Hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ và được Nhà nước bảo đảm kinh phí thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm a, đ, e khoản 1 Điều 2 Nghị định này.
2. Chủ tịch công ty, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng, Kiểm soát viên (không bao gồm Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng làm việc theo chế độ hợp đồng lao động) trong các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (gồm: công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước; công ty mẹ của tổng công ty nhà nước; công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ - công ty con; công ty độc lập) dôi dư do thực hiện cổ phần hóa, bán toàn bộ doanh nghiệp, sáp nhập, hợp nhất, chia tách, giải thể, phá sản hoặc chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên hoặc chuyển thành đơn vị sự nghiệp công lập theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; Giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng của các công ty lâm, nông nghiệp quốc doanh dôi dư do sắp xếp lại theo quy định của pháp luật.
3. Cán bộ, công chức, viên chức được cấp có thẩm quyền cử làm người đại diện phần vốn góp tại doanh nghiệp dôi dư do sắp xếp lại doanh nghiệp theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
4. Cán bộ, công chức, viên chức được cấp có thẩm quyền cử sang giữ chức danh lãnh đạo, quản lý tại các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách dôi dư do sắp xếp lại quỹ đó theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
5. Cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện, cấp xã dôi dư do sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021 còn chưa giải quyết thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương áp dụng quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định này để giải quyết chế độ, chính sách cho các trường hợp này. Nguồn kinh phí chi trả chính sách này do ngân sách nhà nước cấp.