Không phải ngẫu nhiên mà từ đầu năm đến giờ, Chính phủ liên tiếp tổ chức các cuộc họp đẩy nhanh tiến trình thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam. Bởi, CCHC phải được coi là điều sống còn cho phát triển đất nước.
Sự hài lòng của người dân là thước đo CCHC. Ảnh Hoàng Long.
Phục vụ dân tốt hơn
Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ, nhờ đẩy mạnh CCHC, những năm gần đây, bộ máy hành chính hoạt động hiệu quả hơn, bớt trùng lắp, chồng chéo về chức năng nhiệm vụ; đầu mối các cơ quan của Chính phủ được thu gọn.
Tuy nhiên, so với mục tiêu cải cách thì nền hành chính nhà nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức đã được nâng lên so với trước nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu. “Phải nhận thức rõ, sâu sắc về vai trò, ý nghĩa của CCHC đối với quá trình phát triển đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Đây là một trong ba đột phá chiến lược trong quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, quyết định tới sự thành công của công cuộc CNH, HĐH và hội nhập quốc tế. Đồng thời cũng phải xác định đây là việc làm thường xuyên, lâu dài”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Người đứng đầu Ban chỉ đạo CCHC của Chính phủ khẳng định vai trò của người dân trong tiến trình này là phát huy dân chủ, thực hiện quyền giám sát của nhân dân đối với hoạt động của bộ máy hành chính, tăng cường lấy ý kiến người dân đối với việc xây dựng thể chế, chính sách, đánh giá tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ công chức, lấy sự hài lòng của người dân đối với chất lượng cung cấp dịch vụ công là thước đo hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ đạo phải từng bước hình thành Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công, đáp ứng yêu cầu của người dân, doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành, hoạt động của các cơ quan nhà nước.
Không cải cách sẽ giậm chân tại chỗ
Rất nhiều chuyên gia đã đề xuất các giải pháp để đẩy nhanh tiến trình CCHC đặc biệt, những vấn đề có liên quan đến yếu tố con người, bởi ai cũng ý thức rằng thủ tục có tinh gọn đến mấy nhưng chỉ cần cán bộ không có tâm, mọi sự cải cách sẽ là vô nghĩa. Phải kiên quyết chấn chỉnh lại bộ máy quản lý nhà nước các cấp.
Quan tâm nhiều đến công cuộc cải cách bộ máy nhà nước, GS Trần Văn Thọ, Đại học Waseda (Tokyo) nêu quan điểm: Để vượt qua các thách thức và để Việt Nam có một vị trí xứng đáng trên vũ đài thế giới, người lãnh đạo phải có tinh thần yêu nước, có sứ mệnh và quyết tâm xây dựng dựng Việt Nam thành một quốc gia thượng đẳng. Từ tinh thần đó mũi đột phá là cải cách bộ máy hành chính, cải cách việc tuyển chọn, đề bạt và đánh giá năng lực quan chức.
Nguyên Phó ban Kinh tế Trung ương Phạm Chánh Trực bày tỏ mong muốn thúc đẩy khẩn trương xây dựng Chính phủ điện tử, trong đó đào tạo cán bộ công chức có ý nghĩa quyết định; đồng thời đổi mới thể chế nhà nước, CCHC thích hợp theo yêu cầu điều hành quản lý xã hội, quản lý nền kinh tế chuyển đổi và tái cấu trúc, cũng như đáp ứng yêu cầu vận hành của Chính phủ điện tử.
GS.TS Ngô Thắng Lợi, ĐH Kinh tế quốc dân đề nghị, CCHC phải được xem như một ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn 2016-2020, với mục tiêu tăng cường tính minh bạch, trách nhiệm giải trình của khu vực công, củng cố, duy trì lòng tin của nhân dân vào hệ thống chính trị và điều hành nhà nước. Hướng tới thực hiện đầy đủ mô hình “nhà nước phục vụ”, trong đó: Người dân vừa là cử tri lựa chọn Chính phủ đại diện cho lợi ích của mình, vừa là người đóng thuế cho nhà nước vừa là người thụ hưởng các dịch vụ do nhà nước cung cấp.
Vị chuyên gia này còn nhấn mạnh, là người đóng thuế, người dân có quyền được biết tiền thuế của họ đã được thu và sử dụng như thế nào. Là khách hàng của dịch vụ công, hài lòng của người dân đối với các dịch vụ này phải là tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá sự hiệu quả và hiệu lực của bộ máy công quyền.