Tổ công tác của Thủ tướng vừa có cuộc kiểm tra các tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, Hải Phòng, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hải Dương về tình hình triển khai các nhiệm vụ liên quan đến Chính phủ điện tử và cải cách thủ tục hành chính. Tổ trưởng Tổ công tác, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng tiếp tục yêu cầu các địa phương, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng chính phủ điện tử để gỡ khó khăn về mặt thủ tục cho người dân và doanh nghiệp (DN).
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để gỡ nút thắt trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Theo ông Ngô Hải Phan- Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ việc triển khai Chính phủ điện tử đã đạt nhiều kết quả nổi bật. Các địa phương đã bắt đầu triển khai nền tảng chính quyền điện tử. Như Hải Phòng đã bố trí mỗi năm khoảng 20 tỷ đồng, Bắc Giang mỗi năm bố trí khoảng 60 tỷ đồng để hoàn thiện các hệ thống cốt lõi xây dựng chính quyền điện tử…Các bộ, ngành địa phương đã hoàn thành việc kết nối với trục liên thông văn bản quốc gia theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ để triển khai gửi, nhận văn bản điện tử. Theo đó, từ ngày 12/3 đến 20/8, đã có hơn 86.000 văn bản gửi và hơn 263.000 văn bản nhận qua trục liên thông.
Dù đạt được một số kết quả như vậy song vẫn còn những nhiệm vụ chậm triển khai và chưa đáp ứng yêu cầu, như Phú Thọ mới đang trình Chủ tịch UBND tỉnh kế hoạch triển khai Nghị quyết 17/NQ-CP về Chính phủ điện tử, trong khi thời hạn là 31/3. Nhiều địa phương chưa hoàn thành việc thành lập, kiện toàn bộ phận một cửa, dù thời hạn là quý IV/2018, như Hải Phòng chưa thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh, Thái Nguyên mới phê duyệt đề án thành lập Trung tâm này. Bắc Giang vẫn chưa xây dựng Cổng dịch vụ công trực tuyến tập trung, duy nhất…
Nhiều lĩnh vực đã có văn bản của Trung ương quy định thủ tục mới và đã được bộ, ngành công bố, nhưng ở cấp tỉnh việc công bố lại chưa kịp thời. Ví dụ, năm 2018, các Bộ công bố việc cắt giảm hàng nghìn điều kiện kinh doanh nhưng rất tiếc nhiều địa phương lại không cập nhật, người dân và DN không được hưởng kết quả từ cải cách- theo ông Ngô Hải Phan.
Còn theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện còn rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, kiểm tra chuyên ngành, tới 355 văn bản, rất khó cho DN thực hiện tra cứu, cập nhật. Không ít trường hợp kiểm tra chồng chéo, một mặt hàng chịu nhiều hình thức quản lý của nhiều bộ, chịu sự kiểm tra của nhiều đơn vị trong cùng một bộ.
Ở góc độ khác, TS Nguyễn Đình Cung cho rằng, các cải cách trong nhiệm kỳ này đã được DN, xã hội đánh giá cao, đầu tư trong nước tăng nhanh như một động lực góp phần cho tăng trưởng. Xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước tăng nhanh hơn so với khu vực đầu tư nước ngoài. Từ đó, mới có được tốc độ tăng trưởng GDP như vừa qua. Tuy nhiên, ông Cung đề nghị cần triển khai quyết liệt, mạnh mẽ hơn các nhiệm vụ cải cách. Hiện việc cắt giảm điều kiện kinh doanh chưa mang lại lợi ích rõ ràng, chỉ tháo gỡ những vướng mắc nhỏ, chưa tạo tác động sâu rộng và đã đến lúc phải đi vào cắt giảm những vấn đề khó, thực chất.
Chính vì thế, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh rằng, hiệu quả cải cách phải tính ra bằng tiền, bằng thời gian; kết quả cải cách phụ thuộc rất nhiều vào quyết tâm, sự quyết liệt của lãnh đạo địa phương. “Khó khăn, vướng mắc là rất nhiều bởi phải làm những vấn đề khó và mới. Tuy nhiên, cùng trong môi trường như thế nhưng nhiều địa phương làm rất tốt, có nơi lại làm chưa tốt, nên phải suy nghĩ xem cách làm thế nào”- Bộ trưởng nhìn nhận đồng thời lưu ý các địa phương, về ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh chính quyền điện tử, không thể vì các lý do như bảo mật, an ninh, an toàn để không cải cách được.