Phát biểu trước Quốc hội, bà Vũ Thị Lưu Mai (đoàn ĐBQH Hà Nội) cho rằng, cần thực sự coi trả lương là hình thức đầu tư. Đầu tư cho con người và đầu tư cho tương lai. Chỉ có đầu tư tương xứng mới mang lại hiệu quả thiết thực. Đất nước không thiếu người tài, không thiếu người tâm huyết muốn cống hiến, nhưng thực sự cần một chính sách đủ mạnh, tạo động lực, niềm tin cho người lao động.
Chúng ta đang ở đâu trên bản đồ thu nhập thế giới? ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai đặt vấn đề và dẫn chứng, chỉ so với các nước trong khu vực thì cũng đã thấy một khoảng cách không nhỏ: Mức lương trung bình của công chức ở ta trên dưới 10 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, nếu quy đổi ra tiền Việt Nam thì công chức Thái Lan thu nhập 56,7 triệu đồng; Malaysia là 29 triệu đồng và Campuchia là 17 triệu đồng/tháng.
Bà Mai cũng cho biết, Nghị quyết 27 của Bộ Chính trị đã đề ra lộ trình cải cách rất cụ thể, song trong 3 năm liên tiếp Chính phủ đã đề nghị lùi thời điểm thực hiện cải cách tiền lương để tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển, chương trình phục hồi kinh tế. “Nghị quyết 27 của Bộ Chính trị đề ra mục tiêu rất rõ ràng, đó là tiền lương phải thực sự là nguồn lao động, là nguồn thu nhập chủ yếu và chính sách tiền lương phải đảm bảo hội nhập quốc tế” - ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai nhấn mạnh.
Lương cho cán bộ công chức, viên chức, người lao động, người về hưu luôn là vấn đề trăn trở, vì lương đã thấp nhưng lại luôn phải chạy đuổi theo giá. Trong khi đó, đại đa số những đối tượng đó đều chỉ có nguồn thu nhập duy nhất là lương tháng. Đáng chú ý, nhiều cán bộ công chức, viên chức vào hệ thống công 5-7 năm nhưng thu nhập vẫn thấp hơn so với mức sống tối thiểu. Kể cả nếu được điều chỉnh tăng lương cơ sở từ mức 1,49 triệu đồng/tháng lên mức 1,8 triệu đồng/tháng từ 1/7 năm nay thì vẫn rất thấp.
Tại kỳ họp trước của Quốc hội khóa XV (kỳ họp thứ 4), nhiều ĐBQH cũng đã đề cập đến vấn đề này, với kiến nghị sớm cải cách chế độ tiền lương. ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (đoàn TPHCM) cho rằng, chính sách tiền lương cho cán bộ công chức, viên chức chưa tương xứng, vẫn thấp hơn mức sống trung bình. Từ đó dẫn đến việc cán bộ công chức, viên chức “chân trong chân ngoài”. Theo ông Nghĩa, nếu tình trạng này kéo dài, nhiều người sẽ không giữ được đạo đức khi các khoản thu nhập bên ngoài nhiều hơn, sẽ ảnh hưởng không tốt đến trách nhiệm công vụ.
Ông Nghĩa cũng cho rằng chừng nào chưa giải quyết, chưa đạt được mục đích cán bộ công chức, viên chức đủ sống với mức sống trung bình của xã hội thì chừng đó tình trạng công chức, viên chức bỏ việc ra khu vực tư vẫn xảy ra.
Thực tế cho thấy, khoảng thời gian tăng lương càng dài thì khiến lương ngày càng xa giá cả thị trường và cán bộ công chức, viên chức, người lao động càng khó khăn. Có thể lấy ví dụ về lương của bác sĩ và giáo viên đại diện cho hai ngành thiết yếu: Lương khởi điểm 2.34x1.49 = 3.486.600 đồng; cộng phụ cấp bác sĩ 1.3946.40 đồng(40%) = 4.881.240 đồng/tháng. Lương giáo viên như bác sĩ cộng phụ cấp 1.045.980 đồng(30%) = 4.532.580 đồng/tháng. Có tới 20% bác sĩ tham gia một khảo sát của Hội Thầy thuốc trẻ cho biết, thu nhập của họ chỉ đủ để phục vụ những nhu cầu cơ bản, không dám nghĩ đến chuyện tích lũy.
Trong khi đó lương tối thiểu của công nhân khu vực I dù đã rất thấp là 4.680.000 đồng/tháng, nhưng vẫn cao hơn lương bác sĩ, giáo viên (tốt nghiệp đại học).
Cũng vì lương thấp đã dẫn đến tình trạng “chân ngoài dài hơn chân trong”. Chưa hết, hơn 2 năm qua còn dẫn tới làn sóng rời bỏ khu vực công. Rõ nhất là với ngành Y. Một thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, chỉ trong vòng 1 năm (giai đoạn 2021-2022) cả nước có tới 9.400 bác sĩ, nhân viên tại các cơ sở y tế công lập nghỉ việc, chuyển việc. Còn với riêng TP Hồ Chí Minh, trong vòng 2 năm, số cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, chuyển việc lên tới 6.177 người.
Nguyên nhân chính, theo Sở Nội vụ TPHCM, là chế độ tiền lương và chính sách đãi ngộ chưa tương xứng; ít cơ hội thăng tiến và áp lực công việc nặng nề.
Còn theo ông Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội (nay là Uỷ ban Xã hội của Quốc hội): “Cá nhân tôi luôn quan niệm và cũng đã nhiều lần đề cập, đó chính là việc chưa cải cách được chính sách tiền lương, chưa làm cho tiền lương thể hiện bằng giá cả và giá trị sức lao động trên thị trường. Thu nhập không cao và người ta thấy đóng góp, cống hiến, chi phí lao động của họ không được bù đắp bằng tiền lương và thu nhập, đó là điều quan trọng nhất”.
Điều chỉnh tăng lương cơ sở theo lộ trình là rất quý. Nhưng thực tế cho thấy rất cần một cuộc cải cách tiền lương sâu rộng, đủ mạnh, để bảo đảm cuộc sống và tạo động lực, niềm tin cho người lao động nói chung.