Khi nhiều người biết tới, mà không bắt đầu từ thực lực và tài năng thông qua công việc của bản thân, cũng như học cư xử đúng đắn với các mối quan hệ xung quanh, thì sự nổi tiếng cũng đi đôi với những cái giá rất đắt phải trả.
Khi ca sĩ Phạm Anh Khoa bị Phạm Lịch, và sau đó là hai người nữ khác tố về việc quấy rối tình dục, ngay lập tức, một làn sóng phẫn nộ dâng cao từ đông đảo công chúng. Việc tố cáo quấy rối tình dục theo phong trào “Me too”, cần sự ủng hộ của đám đông hơn là việc trưng bày ra bằng chứng cụ thể theo đúng yêu cầu của pháp luật. Vì thế, người của công chúng sẽ bị xử lý theo ý muốn của đám đông, hơn là phải đối mặt với việc phán quyết từ cơ quan công quyền. Mạng xã hội, báo chí là phương tiện để truyền tải những lời tố cáo này. Từ đó, trang Facebook và Website chính thức của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam đã gỡ bỏ toàn bộ hình ảnh Phạm Anh Khoa, Nhà sản xuất chương trình “Trời sinh một cặp” cũng cho biết toàn bộ hình ảnh của ca sĩ Phạm Anh Khoa bị cắt bỏ trong các tập phát sóng sau của chương trình. Và khi tìm hiểu thông tin về Phạm Anh Khoa hiện nay, thay vì các hoạt động liên quan đến âm nhạc, là một loạt các bài báo liên quan đến “tố cáo gạ tình”, và nằm trên cùng của mục “tìm kiếm”.
Chúng ta rất nhiều khi không được giáo dục về cách cư xử trước việc bản thân sẽ có nhiều người biết tới. Như trường hợp Phạm Anh Khoa, thiếu sự cố vấn của chuyên gia, vì thế, thay vì xử lý tốt khủng hoảng, những phát ngôn bản năng của anh lại càng làm “đổ dầu vào lửa”. Cho đến khi anh phải tổ chức họp báo chính thức xin lỗi với sự ăn năn đến những người đã tố cáo, thì cơn sóng giận dữ từ đám đông mới được hạ dần.
Ai khi sinh ra, cũng có nhu cầu khẳng định vị trí của mình trước đánh giá của người khác một cách bản năng, và tìm mọi cách để nhiều người biết tới mình. Khi một người “nổi tiếng” bị tố cáo thì lập tức, các thông tin về người “nổi tiếng” này được lan truyền nhanh mạnh qua các diễn đàn xã hội. Nghĩa là sự nổi tiếng bao giờ cũng phải đi kèm với cái giá rất đau đớn là bị phán xét, xoi mói hơn người bình thường khác. Cho nên, điều này cũng đi kèm với việc người nổi tiếng dễ trở thành miếng mồi của thị phi thất thiệt.
Chưa khi nào, việc truyền tin “thất thiệt” với mục đích “đánh đấm”, triệt hạ danh dự của một tổ chức, một công ty hay một cá nhân lại nhanh mạnh và khó thể khống chế như hiện nay. Vì vậy với cụm từ khi đưa ra: “một ca sĩ nổi tiếng”, “một họa sĩ nổi tiếng”, “một người mẫu nổi tiếng”, “một diễn viên nổi tiếng”, là chìa khóa mở toang sự tò mò, cho hàng triệu lượt người click vào đường dẫn để đọc. Ngay cả báo chí, để thỏa mãn cho thị hiếu độc giả, cũng vội vàng viết bài, lấy thông tin, đánh giá, phê bình sự việc… trong khi không hề tìm hiểu sự thật phía sau nguồn tin ấy. Sự lười biếng dựa dẫm vào xu thế truyền tin và mức quan tâm của người sử dụng mạng xã hội, đã biến báo chí thành công cụ để tiếp tay cho nguồn tin giả. Thật ngạc nhiên, khi những thông tin tiêu cực về “cướp, giết, hiếp, hành hạ người khác…” lại thu hút số lượng đông đảo độc giả và được chia sẻ mạnh mẽ, còn những tin về người tốt, việc tốt bị chìm nghỉm, hoặc sẽ có những nghi ngờ bằng các phản hồi dưới bài về sự tử tế cần được lan tỏa đó.
Chỉ khi có sự chỉ đạo kịp thời nghiêm khắc từ các cơ quan chức năng, thì mọi thông tin hỗn tạp mới được ngưng chặn. Và cũng chỉ khi sự thật được điều tra rõ ràng với bằng chứng cụ thể, khi ấy, người nổi tiếng mới có cơ hội được “giải oan”. Vì vậy, sự trau dồi về phát triển nghề nghiệp cũng như tăng cường bản lĩnh để đối phó với mọi tình huống tiêu cực, luôn cần thiết đối với những người của công chúng.