Tỉnh Bến Tre hiện có 1.008 người nghiện ma túy và 2.095 người sử dụng ma túy. Các huyện, thành phố đã tổ chức cai nghiện cho 768 người, chiếm 76,19% số người nghiện, trong đó có 298 người thuộc diện cai nghiện bắt buộc; 121 người cai nghiện tự nguyện tại cơ sở cai nghiện, 84 người cai nghiện tại gia đình; 22 người cai nghiện tại cộng đồng và 260 người cai nghiện bằng thuốc thay thế Methadone.
Sáng 21/8, UBND tỉnh Bến Tre phối hợp tổ chức hội thảo triển khai mô hình điểm cai nghiện ma túy cộng đồng. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Văn Đức cho biết, việc cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng gặp khó khăn do không có nơi để tiếp nhận, quản lý cắt cơn, giải độc cho người nghiện; cơ sở vật chất hạn chế, người nghiện chỉ được quản lý trong thời gian cắt cơn giải độc nên hiệu quả chưa cao.
Bên cạnh đó, đội ngũ tư vấn, vận động cai nghiện chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc tiếp cận, tư vấn, hỗ trợ người tham gia cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng. Một số người nghiện ma túy và gia đình còn e ngại, chưa mạnh dạn đăng ký tham gia cai nghiện tự nghiện tại cộng đồng. Tỉnh Bến Tre đã xây dựng và đưa vào hoạt động thí điểm 4 điểm cai nghiện ma túy cộng đồng tại các huyện Châu Thành, Bình Đại, Mỏ Cày Bắc và thành phố Bến Tre.
Tại hội thảo, đại diện các điểm cai nghiện ma túy tại cộng đồng bày tỏ sự lo lắng về khả năng thành công của các cơ sở này vì trên thực tế đã có nhiều trường hợp tái nghiện sau cai nghiện tại cộng đồng, về mối nguy hiểm có thể xảy ra nếu người bệnh không hợp tác, chống đối, phản kháng hoặc lên cơn trong lúc được điều trị...
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó phòng Lao động -Thương binh và Xã hội thành phố Bến Tre, cho biết, trong thời gian qua thành phố đã tổ chức cai nghiện tại gia đình cho 15 trường hợp, những người này về sau không tái nghiện và hòa nhập tốt với cộng đồng. Tuy nhiên, cũng có trường hợp được cai nghiện tại điểm bắt buộc mà vẫn tái nghiện sau khi được giới thiệu việc làm. Vì vậy, các trung tâm mong muốn có thêm các hội nghị chia sẻ kinh nghiệm thành công từ các điểm cai nghiện cộng đồng.
Chia sẻ tại hội thảo, bà Đỗ Thị Ninh Xuân (Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng) cho rằng cai nghiện tại cộng đồng là cai nghiện tự nguyện, thông qua đoàn thể, gia đình, còn lực lượng công an chỉ tiếp cận người bệnh và đưa đến với tư cách là người hỗ trợ điều trị. Khi được nhân viên ở điểm cai nghiện đối xử tử tế, tin tưởng thì bệnh nhân sẽ tuân thủ và hợp tác.
Theo bà Khuất Thị Hải Oanh (Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng), cai nghiện tại cộng đồng là cách tiếp cận mới. Vì vậy, nhân viên, cán bộ điều trị nên tiếp cận người bệnh bằng sự chân tình sẽ hiệu quả hơn rất nhiều so với việc áp đặt, đưa đi cai nghiện cưỡng bức. Các điểm cai nghiện tại cộng đồng không nên quan tâm đến việc bệnh nhân có tái nghiện hay không mà điều quan trọng là họ có quyết tâm cai nghiện không. Và chỉ khi cắt cơn quá nhiều lần không thành công thì mới phải tư vấn cho người bệnh điều trị bằng thuốc thay thế Methadone.