Thứ Bảy, 18/01/2025
Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Theo nhiều chuyên gia bất động sản, trong bối cảnh giá nhà tăng cao, nguồn cung khan hiếm, việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ có thể góp phần làm hạ nhiệt giá căn hộ chung cư đang diễn ra tại các thành phố lớn.
Hà Nội có hơn 1.500 tòa nhà chung cư cũ và nhà tập thể
Hà Nội hiện có khoảng 250.000 người dân sinh sống trong 1.579 tòa nhà chung cư cũ và nhà tập thể. Trong đó, chỉ riêng các quận nội thành, có 20 khu chung cư, 69 nhóm chung cư và 209 tòa nhà chung cư cũ riêng lẻ cần được cải tạo, xây dựng lại.
Đặc biệt, có 6 khu chung cư thuộc cấp độ D - cấp độ nguy hiểm nhất, buộc phải phá dỡ để tái xây dựng, như: Nhà C8 tại khu tập thể Giảng Võ, G6A khu tập thể Thành Công, nhà A khu tập thể Ngọc Khánh, khu tập thể Bộ Tư pháp...
Nhiều năm qua, Hà Nội bế tắc với mục tiêu cải tạo các khu chung cư cũ bởi những vướng mắc trong cơ chế đền bù, thỏa thuận với người dân về tạm cư, hệ số bồi thường, trong khi các doanh nghiệp vướng mắc về cơ chế đầu tư cải tạo...
UBND TP. Hà Nội đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết cải tạo và xây dựng lại nhiều khu tập thể cũ, tỷ lệ 1/500. Cụ thể, khu tập thể Nghĩa Tân với diện tích khoảng 316.611 m2, thời gian dự kiến hoàn thành quy hoạch trong tháng 6 tới. Khu vực này bao gồm 29 công trình chung cư; Quận Đống Đa trình duyệt quy hoạch các khu Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Hào Nam trong quý 1/2025.
UBND thành phố cũng yêu cầu UBND quận Ba Đình và Thanh Xuân hoàn thành trình duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 cải tạo, xây dựng lại các khu tập thể Thành Công, Ngọc Khánh, Giảng Võ, khu tập thể Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam; Hoàn thành bồi thường, hỗ trợ tái định cư, phê duyệt chủ trương đầu tư cải tạo Nhà chung cư 51 Huỳnh Thúc Kháng… Những công việc này hoàn thành trong tháng 12/2024.
Theo KTS. Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, để giải bài toán về cải tạo chung cư cũ, Hà Nội cần lập đồ án quy hoạch chi tiết và toàn khu, công bố cho người dân. Chủ đầu tư phải tuân thủ theo đồ án trên cùng các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu của thành phố.
Cùng với đó, Hà Nội cần chú trọng công tác tái định cư cho người dân sau khi di dời; làm rõ vấn đề tái định cư ở đâu, như thế nào và chính sách đền bù ra sao để tạo được sự đồng thuận của 100% người dân.
“Phải coi đây là nhiệm vụ chính trị, đảm bảo an sinh xã hội, chính quyền, doanh nghiệp và các công dân ở đó phải tham gia, phải có sự đồng thuận và người dân phải biết hy sinh lợi ích trước mắt để cùng thành phố tạo dựng được nơi sống an toàn, bền vững” - ông Phạm Thanh Tùng nói.
Giảm áp lực cung - cầu
Theo TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam phân tích, việc cải tạo chung cư cũ trên nền tảng các chung cư cũ nằm ở các lõi của đô thị, trung tâm của đô thị, nếu xây theo hướng tăng nhiều căn hộ lên thì sẽ làm tăng dân số, điều này lại có tác dụng ngược lại, sẽ gây áp lực lên hạ tầng, như vậy không có lợi. Như vậy, cải tạo chung cư cũ phải theo hướng phải cải tạo làm sao để người dân được nhận lại nhà tốt hơn, nhà ở mới phải tốt hơn nhà ở cũ.
Từ nay tới năm 2030, nếu tất cả các khu tập thể cũ này hoàn thành việc cải tạo, thành phố sẽ đón nhận một lượng lớn nguồn cung căn hộ, góp phần giải quyết nhu cầu nhà ở ngày càng tăng. Đây sẽ là nguồn cung lớn giải toả “cơn khát” nhà ở thuộc phân khúc chung cư. Nếu Hà Nội rút ngắn được lộ trình, thời gian cải tạo, xây mới chung cư sớm hơn từ 1-2 năm, có thể giá nhà ở sẽ giảm hơn.
TS. Nguyễn Văn Đính nhận định, năm 2025, giá nhà có dấu hiệu “hạ nhiệt”, tuy nhiên sẽ không giảm nhiều vì áp lực của chi phí đầu vào vẫn ở mức cao. Cụ thể, giá về đất, thuế đất, đền bù dựa vào bảng giá mới của chính quyền các địa phương đang xây dựng rất cao. Đây cũng là áp lực gây tăng chi phí đầu vào khiến giá nhà khó giảm như kỳ vọng. Giá không giảm thì thị trường mua - bán trầm lắng, năng lực hấp thụ của thị trường yếu đi.
Ông Nguyễn Bá Nguyên, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc (QHKT) Hà Nội cho rằng, hiện quy hoạch nội đô Hà Nội vẫn cho phép xây dựng công trình cao tầng nhưng có hạn chế. Riêng đối với quy hoạch để cải tạo chung cư cũ, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo không cấm xây dựng cao tầng nhưng cần đảm bảo nguyên tắc là không gia tăng dân số và bổ sung hạ tầng.
Lãnh đạo Sở QHKT nêu ví dụ khi kiểm đếm chung cư cũ có 5 tòa nhà với 1.000 căn hộ thì cần tái định cư 1.000 căn hộ tương ứng với diện tích có thể lớn hơn.
Trước đây căn hộ chung cư cũ có những căn chỉ 30m2, nhân hệ số 2 thì có thể lên đến 60m2. Người dân có nhu cầu ở diện tích 120m2 vẫn được đồng ý nhưng ngoài 60m2 cũ được đền bù thì 60m2 còn lại phải trả tiền.