Đó là chia sẻ của Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha bên hành lang QH; dù rằng điều kiện kinh tế nước nhà còn khó khăn, rất nhiều vấn đề phải đầu tư.
Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha.
PV:Nhiều ý kiến cho rằng, do đầu tư của Nhà nước có hạn nên ở nhiều địa phương không có phòng tạm giam, tạm giữ riêng, điều này sẽ gây ra một số nguy cơ nhất định thưa ông?
Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Pha: Vừa qua, tôi có đi giám sát cùng lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về chấp hành pháp luật trong tạm giữ, tạm giam tại hai tỉnh Bình Thuận, Đắc Lắc. Có thể nói, điều kiện cơ sở vật chất của cơ sở tạm giữ, tạm giam ở hai tỉnh này rất khó khăn. Khó khăn từ nơi giam giữ đến điều kiện sinh hoạt như nước uống, điều kiện sinh hoạt khác. Chúng tôi đã nhắc nhở, phê bình các địa phương rất nhiều. Nhưng cái chính là đầu tư của Nhà nước cho các địa bàn này là chưa tương xứng.
Người ta lấy lý do, vì khu vực đó, số người thành niên không nhiều nên không thể xây nhà tạm giam, tạm giữ riêng được. Vì vậy, giam chung người thành niên và chưa thành niên, thậm chí giam chung cả với người có tiền án, tiền sự. Chính vì thế, dẫn đến vi phạm quyền của người tạm giữ tạm, giam nhất là người chưa thành niên.
Đất nước khó khăn thế này, có nhiều lĩnh vực phải đầu tư nhưng theo tôi vẫn phải lưu tâm đến đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất cho khu vực tạm giữ, tạm giam, nhất là vùng sâu, vùng xa. Có như thế mới đảm bảo điều kiện tối thiểu nhất, tránh việc vi phạm quyền người tạm giữ tạm giam.
Ý ông là Nhà nước phải dành một khoản ngân sách đầu tư xây dựng các phòng tạm giữ, tạm giam?
- Hiện đã có dự án của Chính phủ giao cho Bộ Công an để nâng cấp, xây mới các cơ sở tạm giữ, tạm giam nhưng triển khai chậm vì kinh phí rót không đầy đủ. Hơn nữa, việc lập dự án thời điểm đó đến giờ đã khác rồi. Thời kì đó chưa hình dung là trại tạm giam cần quy mô lớn thế, giờ do tình hình thay đổi, số lượng người bị giam giữ tăng lên, các vấn đề liên quan như nguyên vật liệu, giá nhân công tăng lên nên khoản tiền đầu tư của Nhà nước là không đủ, cho nên dự án còn đang dở dang. Bộ Công an có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị cần ưu tiên để tiếp tục triển khai dự án này như, bổ sung hạng mục đảm bảo nơi giam giữ đúng quy chuẩn, quy định pháp luật.
Thưa ông, không có nơi giam giữ đúng quy chuẩn, trách nhiệm sẽ quy thế nào nếu xảy ra thương tật, thậm chí là án mạng tại phòng tạm giam?
- Trách nhiệm thì phải truy trách nhiệm cá nhân. Ai có lỗi trực tiếp đến hành vi vi phạm phải xử lý, nhưng phải tính đến các lỗi khách quan. Có thể, vì không có nơi giam giữ riêng cho đối tượng vị thành niên, nên giam chung với người đã thành niên, dẫn đến bị nạn “đầu gấu”, “đại bàng” làm việc giam giữ không đảm bảo quy định về tố tụng, người vị thành niên dễ bị tác động ngoại lai ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng. Khi xảy ra sự cố, phải xét lỗi, nếu lỗi khách quan có thể được miễn trừ hoặc giảm trách nhiệm.
Tại phiên thảo luận về Bộ luật Tố tụng hình sự, vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều về lắp camera để chống bức cung, nhục hình, ý kiến của ông về vấn đề này?
- Về lắp camera, theo tôi không nên lắp tràn lan, lúc này chúng ta đang tập trung vào nhiều vấn đề phát triển khác. Tôi được biết, nếu trang bị tất cả camera tại các địa điểm theo quy định thì phải đầu tư cả ngàn tỉ đồng. Tôi cho rằng, chúng ta cần có niềm tin vào cán bộ điều tra. Người ta thực thi pháp luật phải tin người ta, bất cứ người nào cũng phải chấp hành pháp luật trước.
Thật ra, tổng kết các vụ vi phạm, thì bức cung, nhục hình chiếm tỉ lệ nhỏ trong các vụ phá án đó. Không vì những vụ án ít như thế, chúng ta lắp đặt camera tràn lan. Nói thật, máy móc, phương tiện cũng do con người làm ra, do con người sử dụng. Nếu người ta thích làm hỏng nó, thích làm mất dữ liệu của nó không khó. Cái chính là giáo dục tư tưởng cho người chấp hành công vụ. Người nào phạm luật thì xử lý thật nghiêm. Có như thế mới hạn chế tối đa bức cung, nhục hình. Tôi không coi giải pháp lắp đặt tràn lan ghi âm ghi hình là giải pháp tối ưu.
Trân trọng cảm ơn ông!