Cải thiện chính sách về visa, thị thực để thu hút khách du lịch và lao động nước ngoài

Thái Nhung 19/03/2023 21:36

Đó là kiến nghị được nhiều doanh nghiệp nước ngoài quan tâm tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên diễn ra tại Hà Nội vào ngày 19/3 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng thế giới, Tổ chức Tài chính Quốc tế và Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam tổ chức.

Kéo dài thời hạn miễn thị thực lên 30 ngày để bắt kịp với xu hướng mới trong du lịch

Theo ông Gabor Fluit – chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), nhóm ngành khách sạn tại Việt Nam phụ thuộc phần lớn vào lượng khách du lịch khổng lồ từ Trung Quốc và Ukraine. Nhưng hiện tại chưa thấy có chính sách nào hướng tới những thị trường này, điều đó gây nên tổn thất lớn cho ngành khách sạn. Bên cạnh đó, thị trường Úc và New Zealand, cũng như các quốc gia khác thuộc Liên minh châu Âu đều là thị trường tiềm năng với sức chi lớn, khoảng từ 100 – 150 USD/ ngày. Tuy nhiên chính sách miễn thị thực vẫn chưa thực sự thỏa đáng với các quốc gia này.

Ông Gabor Fluit nói: “Chúng tôi khuyến nghị Chính phủ và những cơ quan có thẩm quyền mở rộng chính sách miễn thị thực cho tất cả các quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu cũng như có lộ trình rõ ràng và thủ tục công khai minh bạch để thực thi chính sách miễn thị thực. Đối với Úc và New Zealand, chúng tôi khuyến nghị cấp visa miễn thị thực với thời hạn 14 ngày và có thể tăng lên tối đa là 21 ngày, hoặc cấp visa tại sân bay với phí định trước không quá 20 USD/ người. Hành vi du lịch của du khách đã thay đổi do sự tác động của đại dịch COVID-19. Giờ đây du khách đi du lịch với tần suất ít hơn song lại dành nhiều thời gian hơn tại mỗi điểm đến. Do đó, thời gian miễn thị thực thông thường không đủ để đẩy mạnh việc phục hồi ngành du lịch. Chúng tôi kiến nghị Việt Nam kéo dài thời hạn miễn thị thực lên 30 ngày để bắt kịp với xu hướng mới trong du lịch”.

Cùng với đó, Việt Nam nên cải thiện chất lượng dịch vụ quầy thủ tục xuất nhập cảnh tại các sân bay khách du lịch, cả khách hạng phổ thông và hạng thương gia, đều phải xếp hàng trong nhiều giờ để làm thủ tục xuất nhập cảnh. Sự thiếu hụt quầy thủ tục hạng thương gia, không có lựa chọn mua dịch vụ ưu tiên làm thủ tục và thái độ chần chừ của nhân viên dịch vụ mặt đất càng làm cho tình hình này tồi tệ hơn. EuroCham cũng đưa ra lo ngại rằng tình trạng tắc nghẽn như vậy có thể làm suy giảm trải nghiệm du lịch hoặc gây ra hậu quả tiêu cực cho toàn bộ hệ sinh thái kinh doanh du lịch. EUCHAM khuyến nghị nhanh chóng mở lại các quầy thủ tục ưu tiên cũng như lập ra các quầy thủ tục dành riêng cho cư dân thành phố, bao gồm cả người nước ngoài có thẻ cư dân, để đẩy nhanh quá trình thủ tục.

Tương tự, các Hiệp hội thành viên liên kết (Associate Members) cũng cho rằng, nhu cầu hồi sinh du lịch và kích hoạt lại lĩnh vực khách sạn là cần thiết để thu hút chi tiêu của khách du lịch và kích thích lĩnh vực du lịch đang phát triển. Hiện có 25 quốc gia miễn thị thực cho du lịch ngắn hạn khi nhập cảnh, xuất cảnh và quá cảnh Việt Nam, thường là 15 ngày. Úc không ở trong danh sách này. Associate Members kêu gọi chính phủ xem xét khả năng cấp miễn thị thực cho người mang hộ chiếu Úc phù hợp với 25 quốc gia đã được miễn thị thực.

Đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh để hỗ trợ trao đổi kinh doanh và lao động quốc tế

Theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) Greg Testerman, các yêu cầu cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài vẫn còn nhiều điểm chưa rõ ràng. Nhiều tổ chức nước ngoài đang có kế hoạch thành lập đại diện thương mại tại Việt Nam chưa có người bảo lãnh để xin cấp thị thực vào Việt Nam cho lao động nước ngoài của mình. Do vậy, AmCham kiến nghị Chính phủ đề xuất đơn giản hóa thủ tục hành chính và mở rộng chính sách cấp thị thực điện tử đồng thời mở rộng thời hạn tối đa của thị thực kinh doanh để tăng cường hỗ trợ trao đổi kinh doanh và lao động.

Liên quan đến giấy phép lao động, thị thực, thẻ tạm trú ông Hong Sun Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KorCham) cũng cho rằng đang có nhiều vướng mắc như: Vấn đề về việc thời gian cấp Giấy phép lao động kéo dài, nhiều trường hợp phải bổ sung, sửa đổi hồ sơ dẫn đến thông thường phải mất 2-3 tháng mới được cấp giấy phép lao động, thậm chí có những trường hợp mất hơn 6 tháng do phải thực hiện các thủ tục bổ sung. KorCham kiến nghị đề nghị Cơ quan liên quan ban hành hướng dẫn chính xác, nhất quán liên quan đến hồ sơ phải nộp. Đồng thời cần có hướng dẫn cụ thể về văn bản, giấy tờ xin cấp giấy phép lao động diện nhà quản lý và chuyên gia, đồng thời cần xem xét để thống nhất các văn bản, giấy tờ ở tất cả các địa phương để vấn đề được giải quyết nhanh nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cải thiện chính sách về visa, thị thực để thu hút khách du lịch và lao động nước ngoài