Cạm bẫy 'việc nhẹ lương cao'

Nam Việt 26/08/2022 09:00

Vụ 42 người Việt bỏ trốn khỏi một casino thuộc ấp Chrey Thum (xã Sampeou Poun, huyện Kaoh Thom, tỉnh Kandal, Campuchia) rồi nhảy xuống sông Bình Di để bơi về nước vẫn đang tạo sóng dư luận. Trong số họ, một người bị nước cuốn mất tích và một người đã bị người của sòng bài bắt lại, đánh đập dã man. Họ là những người sập bẫy của những kẻ “chăn dắt” lao động khi tin vào những lời mời chào “việc nhẹ lương cao”, đến khi đối mặt với thực tế phũ phàng đã phải chịu nhiều đắng cay.

N hưng thực tế không chỉ có vụ việc hơn 40 người chống trả đám bảo vệ canh sòng bạc, liều chết vượt sông trở về đất nước mới đây để tìm đường sống, mà còn nhiều hơn thế nữa. Hàng ngày lướt các trang mạng xã hội, thậm chí là tin nhắn vào điện thoại di động, đều có thể tìm thấy các thông tin mời chào “hợp tác làm việc” hoặc cần tuyển dụng lao động với mức lương rất hấp dẫn, từ 1.000 - 2.000 USD/tháng mà yêu cầu chỉ cần biết sử dụng máy tính, mạng xã hội…

Đó là cạm bẫy đang được tội phạm buôn người giăng ra, nhằm kiếm lợi từ những người nhẹ dạ cả tin, thiếu hiểu biết, mong kiếm được “việc nhẹ lương cao”, thậm chí không cần biết mình sẽ đi làm ở đâu, làm việc gì. Sập bẫy, họ bị “bán” ra nước ngoài, sang tay hết ông chủ này đến ông chủ khác, bị vắt kiệt sức và bị hành hạ. Không ít trường hợp muốn về nước thì phải nhắn cho người thân ở Việt Nam nộp tiền chuộc từ vài ngàn đến vài chục ngàn USD/người.

Thật đáng lo ngại khi họ chủ yếu còn trong độ tuổi thanh niên, đang cần việc làm để kiếm tiền, kiếm nhiều tiền. Trong đó có những thanh niên ở vùng sâu vùng xa.

Làm gì để ngăn chặn vấn nạn ấy? Tiến sĩ Vũ Thị Minh Huyền (Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam) đã nêu lên 9 giải pháp để lao động người Việt Nam tránh bẫy lừa đảo “việc nhẹ lương cao”. Tiến sĩ Huyền cho rằng, sau một số sự việc đau lòng đã xảy ra, cần nghiêm túc rút ra bài học kinh nghiệm cho chính mình để tránh mắc phải những cái bẫy của kẻ lừa đảo, tránh đẩy mình rơi vào hoàn cảnh sống không bằng chết như những người lao động đã từng bị lừa bán ra nước ngoài.

Thượng tá Khổng Ngọc Oanh (Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an), cho biết những người sau khi xuất cảnh trái phép với hứa hẹn "việc nhẹ lương cao" sẽ bị các đối tượng lừa đảo đưa vào cơ sở kinh doanh sản xuất giữa rừng sâu, khu vực hẻo lánh, ít người hoặc sòng bạc. Họ cũng rất khó chạy thoát vì các cơ sở được những nhóm côn đồ kiểm soát chặt chẽ. Ông Oanh cũng cho rằng tình trạng xuất cảnh trái phép thường xảy ra ở các địa phương có điều kiện kinh tế khó khăn, số lượng không chỉ hàng chục, hàng trăm mà hàng nghìn người. “Đi sang thì dễ nhưng về rất khó" - Thượng tá Oanh nêu rõ.

Còn ông Nguyễn Gia Liêm - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội) khuyến cáo người lao động nên tránh đi làm ở nước ngoài theo đường "tiểu ngạch", trước khi đi cần tìm hiểu kỹ người môi giới, công ty đưa đi. Trong trường hợp cần thiết thì phải báo ngay với cơ quan chức năng.

Những người mắc bẫy “việc nhẹ lương cao” suy cho cùng cũng là nạn nhân, những nạn nhân ngây thơ, cả tin, vội vã kiếm tiền. Bỏ qua mọi cảnh báo, họ đã sa bẫy của bọn lừa đảo, vùi chôn cuộc sống trong những “chiếc lò bát quái”. Đường về thật quá xa xôi, thật quá khó khăn. Cho dù có được giải thoát thì tương lai cũng rất mờ mịt.

Việc tuyên truyền, giải thích để nhận ra phải trái, đúng sai từ những lời đường mật với hứa hẹn “việc nhẹ lương cao” cần phải được làm tốt ngay từ trong mỗi gia đình. Không thể có chuyện người nào đó trả lương cho mình cao với công việc nhàn nhã. Cần phải tạo dựng được nhận thức cần cù lao động để từng bước xây dựng cuộc sống, cũng như luôn cảnh giác trước những lời dụ dỗ ngon ngọt, vì như người xưa đã nói “những nơi mật ngọt là nơi chết ruồi”.

Mặt khác, dư luận đòi hỏi tội phạm lừa đảo lao động, “bán” người ra nước ngoài cần phải bị trừng trị nghiêm khắc. Những đối tượng này hoạt động theo nhóm, hình thành những đường dây, phải bóc dỡ tận gốc rễ và phải xử lý nghiêm. Trong trường hợp này phải kết hợp chặt chẽ giữa việc cảnh giác, nhận thức của người lao động - gia đình - và cơ quan chức năng. Tuy nhiên, nếu vụ việc đã xảy ra thì cơ quan chức năng phải nhanh chóng vào cuộc, nêu cao trách nhiệm, sớm bóc dỡ đường dây tội phạm và củng cố hồ sơ để khởi tố vụ án.

Chỉ có như vậy nỗi đau của lao động bị lừa “bán” mới chấm dứt. Những kẻ lừa đảo khiếp sợ trước sự trừng phạt của pháp luật sẽ không còn dám liều lĩnh gây ra nỗi đau khổ cho đồng bào của chính mình, khi nhẫn tâm mang họ “bán” đi để lấy tiền.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cạm bẫy 'việc nhẹ lương cao'