Cam kết lao động: Xu hướng tất yếu

K.Lê 20/11/2018 08:00

Ngày 19/11 tại Hà Nội, Bộ LĐTBXH đã tổ chức hội thảo: Cam kết lao động trong Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Tại Hội thảo, đánh giá của nhiều chuyên gia cho rằng, tham gia Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là cơ hội để Việt Nam hiện đại hóa pháp luật về lao động, nâng chất lượng lao động, tăng năng suất lao động…

Đánh giá tác động của CPTPP đối với lĩnh vực lao động, xã hội, ông Đào Quang Vinh - Viện Trưởng viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐTBXH) cho biết, sau khi được chính thức ký kết và đưa vào áp dụng, hiệp định này sẽ tạo ra một khu vực tự do thương mại thuộc hàng lớn nhất trên thế giới, với thị trường lên tới 500 triệu dân và GDP khoảng 10.000 tỷ USD, chiếm 13,5% GDP toàn cầu và chiếm 15% tổng thương mại toàn cầu. CPTPP cũng hứa hẹn sẽ đem lại tăng trưởng kinh tế và nhiều lợi ích xã hội, tạo ra từ 17.000-27.000 việc làm, tạo cơ hội mới cho cả người lao động và doanh nghiệp (DN), góp phần nâng cao mức sống của người lao động, giảm nghèo, thúc đẩy tăng trưởng bền vững…Song bên cạnh đó, việc gia nhập CPTPP cũng sẽ đặt ra những thách thức không hề nhỏ.

“Hiện nay đa số các lao động của Việt Nam chưa qua đào tạo. Các DN đang phải áp dụng khoa học công nghệ và đi theo xu hướng cắt giảm dần lao động, tự động hóa. Thách thức đặt ra là đào tạo nguồn lao động đáp ứng được những yêu cầu của thị trường và thực hiện các cam kết về việc trả lương, đóng BHXH cho người lao động…” - ông Vinh cho biết.

Để tận dụng được các lợi ích vượt qua những khó khăn, thách thức, và nắm bắt cơ hội phát triển bền vững, nhiều chuyên gia khuyến cáo Việt Nam cần cải cách thể chế, nâng cao khả năng cạnh tranh, đặc biệt là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Nói về những cam kết của Việt Nam khi tham gia CPTPP, ông Nguyễn Mạnh Cường - nguyên Trưởng nhóm đàm phán về lao động, thành viên đàm phán Chính phủ trong CPTPP cho biết, Chương Lao động của CPTPP bao gồm những cam kết chung. Trong CPTPP, Việt Nam cam kết cho phép người lao động được quyền thành lập tổ chức đại diện tại DN.

Tổ chức này sau khi tự thành lập có hai sự lựa chọn, một là tự nguyện tham gia vào hệ thống Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; hai là đăng ký với Bộ LĐTBXH để được phép hoạt động độc lập.

Tuy nhiên, các hoạt động này chỉ thuần túy với tư cách là tổ chức đại diện cho người lao động để thực hiện chức năng đại diện và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động tại DN đó như: Đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động. Nếu xảy ra tranh chấp thì họ có thể đại diện nhằm giải quyết và tổ chức đình công theo luật pháp quy định.

Chia sẻ về lộ trình đề xuất phê chuẩn các công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) khi gia nhập FTA thế hệ mới, Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế Bộ LĐTBXH Nguyễn Văn Bình cho biết, hiện nay để đảm bảo tuân thủ các cam kết về lao động, Việt Nam đang trong quá trình sửa đổi Bộ luật Lao động để phù hợp với một số nội dung của CPTPP, trong đó có điều khoản về công đoàn. Và sẽ cần từ 3-5 năm để điều chỉnh sửa đổi Bộ luật Lao động cũng như các quy định pháp luật đi kèm. Cùng với đó là việc nâng cao năng lực thực thi, nhận thức cho công chúng và DN, tổ chức bộ máy thực thi hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cam kết lao động: Xu hướng tất yếu