Tại phiên khai mạc ngày 12/5, nhiều thông điệp về tính thiết thực, hòa bình của giáo lý đạo Phật đã được gửi tới Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2019.
Trong thông điệp chúc mừng Đại lễ Vesak 2019, ông Antonio Guterres, Tổng Thư ký LHQ gửi lời chúc tốt lành đến mọi người đón mừng Đại lễ Vesak LHQ 2019, lễ hội thiêng liêng đối với hàng triệu người trên thếgiới.
Theo Tổng Thư ký LHQ, trong thời điểm gia tăng sự bất bình đẳng và thiếu độ lượng hiện nay, thông điệp của đức Phật về bất bạo động và phụng sự tha nhân trở nên thích ứng hơn bao giờ hết.
“Vào ngày đại lễ Vesak LHQ, chúng ta hãy cùng làm mới sự cam kết về việc xây dựng thế giới hòa bình và chân giá trị cho tất cả mọi người trên hành tinh này”, thông điệp của Tổng Thư ký LHQ nêu rõ.
Tổng Thống Cộng hòa Liên bang Myanmar Win Myint phát biểu tại Đại lễ Vesak 2019.
Trong thông điệp của mình, Tổng Thống Cộng hòa Liên bang Myanmar Win Myint cho rằng, Đức Phật đã dạy chúng ta sống một đời đạo đức và tâm linh và đi theo con đường cao quý sẽ dẫn đến thoát khỏi đau khổ trần tục. Đức Phật cũng dạy chúng ta tu tập lòng từ bi, trách nhiệm đạo đức, tánh khoan dung và trí tuệ trong đời sống hàng ngày. Cùng với những phẩm chất này, một sự hiểu biết về bản chất thực sự của sự vật sẽ hướng dẫn chúng ta đến mối quan hệ đúng đắn giữa bản than và người khác, và sự hòa hợp và hòa bình sẽ hiện thực trong thế giới của chúng ta.
Là một Phật tử sùng đạo, Tổng Thống Cộng hòa Liên nang Myanmar tin chắc rằng lễ kỷ niệm hàng năm NgàyVesak đóng góp cho những nỗ lực chung nhằm thúc đẩy văn hóa hòa bình, đặc biệt là những lời dạy của Đức Phật về lòng từ bi và sống trong hòa bình và hòa hợp, và hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc thuộc các nền văn hóa và tín ngưỡng khác nhau trong sự đa dạng của thế giới này.
“Ngày Vesak cho chúng ta cơ hội quý giá để nhắc lại sự cống hiến của chúng ta với những lời dạy của Đức Phật và khám phá quan điểm và khái niệm của Phật giáo về tu hành cá nhân để thực hiện phát triển bền vững cho con người, cả vật chất và tâm linh, để đảm bảo hòa bình cho mọi chúng sinh”, ông Win Myint bày tỏ.
Thông điệp của ông K P Shanna O-li Thủ tướng Nepal khẳng định, ngày Vesak là dịp đặc biệt cho cộng đồng Phật giáo thế giới và những người theo giáo lý đạo Phật. Đây cũng là ngày quan trọng không kém đối với những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới.
Thông điệp của Thủ tướng Nepal chia sẻ, những lời dạy của Đức Phật về tình thương, lòng từ bi, bất bạo động và sự đồng cảm, vượt qua mọi rào cản xã hội. Đại Hội đồngLiên Hợp quốc năm 1999 đã thông qua một nghị quyết về Ngày Quốc tế Vesak để kỷ niệm sự ra đời, giác ngộ và niết bàn của Đức Phật. Kể từ đó, ngày Vesak đã có trong lịch quốc tế, để quan sát,nhớ lại và tái cam kết với những giáo lý vĩnh cửu của đức Phật.
“Trong bối cảnh của các cuộc khủng hoảng ngày nay như: chạy đua vũ trang, bạo lực, thù hận, cực đoan, thì giáo lý của Đức Phật về bất bạo động, từ bi, hài hòa, chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ,chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định, rất phù hợp và cho chúng ta nhiều hiểu biết hữu ích để đối phó với những vấn đề phức tạp như vậy”, thông điệp của Thủ tướng Nepal nêu rõ.
Phó Tổng thống, Chủ tịch Thượng viện Ấn Độ M.Venkaiah Naidu phát biểu tại Đại lễ Vesak 2019.
Còn trong bài thuyết trình về chủ đề chính của Đại lễ năm nay: “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững”. Phó Tổng thống, Chủ tịch Thượng viện Ấn Độ M.Venkaiah Naidu nhấn mạnh giá trị của giáo lý mà Đức Phật đã dạy hơn 2.500 trước vẫn nguyên giá trị, ngày nay được con người ứng dụng khắp nơi trên thế giới.
Phó Tổng thống, Chủ tịch Thượng viện Ấn Độ nhắc lại kinh nghiệm của Ấn Độ, một đất nước đông dân nhất thế giới, và những kinh nghiệm của các nhà lãnh đạo đất nước này qua các giai đoạn lịch sử, đặc biệt là vua Ashoka.
Ông đề cao giáo lý Bát Chánh đạo, mà nếu mọi người áp dụng vào đời sống thì sẽ có một kết quả tốt đẹp. Ông cũng đánh giá cao chủ đề của Đại lễ năm nay do GHPGVN đăng cai tổ chức.
Đại lễ Vesak LHQ là dịp để mọi người cùng chiêm nghiệm lại những lời dạy của Đức Phật, về sự nỗ lực và không ngừng để tự hoàn thiện bản thân, trong đó, Bát Chánh đạo như kim chỉ nam, giúp mọi người có được sự cân bằng, hòa bình tự nội. Đó là phương pháp để xây dựng hòa bình thực sự.
Xã hội bền vững là hoàn toàn có thể đạt được nếu con người có sự tiêu thụ bền vững, sản xuất bền vững. Muốn đạt được điều đó, chúng ta phải lánh xa lòng tham lam. Bởi chính lòng tham gây nên sự hủy hoại môi trường sinh thái, mất công bằng xã hội và gây ra những xáo trộn trên thế giới", Phó Tổng thống, Chủ tịch Thượng viện Ấn Độ khẳng định.