Những con số không thể không kinh ngạc. Matxcơva có diện tích phủ xanh lên tới 3.400 ha. Bình quân mỗi người hưởng mức 22m2 cây xanh, mức cao nhất trên hành tinh. Độ che phủ ấy tạo cho Matxcơva một lá phổi khổng lồ và con người đô thị hòa đồng một cách trọn vẹn với thiên nhiên.
Từ Kharcov, tôi bay đến Matxcơva vào những ngày thu tháng 9 năm 2008. Đây là lần thứ hai tôi đến nước Nga. Từ sân bay Demodedovo về trung tâm thành phố tôi như ngập chìm giữa màu xanh không tưởng của những cánh rừng Nga, những cánh rừng ngay giữa lòng của một đô thị sầm uất.
Tôi đến nước Nga lần trước vào mùa đông, cái mùa đông khắc nghiệt mà tôi đã lãnh trọn khi quá cảnh một sân bay vùng Xibiri. Nhưng còn mùa thu? Mùa thu say đắm của nước Nga tôi chỉ biết qua bức tranh mùa thu vàng của Lêvitan và những trang viết đầy màu sắc lãng mạn của các nhà văn Nga lỗi lạc. Nhưng để bù lại, tôi có điều kiện cảm nhận hết màu xanh kỳ diệu của một thành phố đẹp bậc nhất thế giới này.
Khu trung tâm, trái tim của Matxcơva, trái tim của nước Nga là khu điện Kremlin, bao gồm các công trình được xây dựng qua nhiều thời kỳ lịch sử. Lần đến Matxcơva năm 2000, ở khách sạn Rossia, đứng trên ban công tôi có thể quan sát toàn cảnh khu vực Kremlin bao gồm Quảng trường Đỏ, điện Kremlin, lăng Lenin thánh đường St Basil và xa hơn là sông Matxcơva…
Bây giờ, khách sạn Rossia, xây vào thời Xô viết, đã được phá đi để bảo đảm cảnh quan của khu vực. Điện Kremlin thiết kế từ thế kỷ 15 có nhà thờ, lăng mộ của Sa hoàng Ivan Đại Đế. Toàn bộ khu điện có thể coi là một nhà thờ lớn. Đây là nơi bảo tồn những báu vật của kiến trúc và văn hóa nhân loại như nhà thờ Đức Mẹ đồng trinh, Nhà thờ Hoàng Gia… Quảng trường Đỏ, trải qua bao biến thiên, trở thành biểu tượng của nước Nga thời Xô viết, ẩn chứa sức sống mãnh liệt của dân tộc Nga.
Bao quanh quảng trường là những công trình bất hủ với thời gian như nhà thờ thánh Basil, tòa nhà liên bang, bảo tàng lịch sử… Mà, mỗi công trình đều là những chứng nhân lịch sử sống động khiến điện Kremlin trở thành một tuyệt tác có một không hai, không chỉ là niềm kiêu hãnh của nước Nga mà là niềm kiêu hãnh về sức sáng tạo vĩ đại của con người.
Lịch sử của Matxcơva gắn liền với lịch sử của một dân tộc vĩ đại. Hình thành từ một con đường giao thương quốc tế bên bờ sông Matxcơva vào đầu thế kỷ 12, năm 1147 Matxcơva đã trở thành một trung tâm thương nghiệp sầm uất. Năm 1328, người ta bắt đầu xây dựng ở đây các cung điện và các nhà thờ. Đầu thế kỷ 15 Matxcơva trở thành trung tâm chính trị của nước Nga và năm 1589 chính thức được chọn là thủ đô của nước Nga Sa Hoàng. Năm 1918 Matxcơva lại được chọn làm thủ đô CHLB Nga và 1992 nó vinh dự trở thành thủ đô một quốc gia xã hội chủ nghĩa đầu tiên của nhân loại, thủ đô liên bang cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết. Mới đó mà đã hơn 800 năm…
Matxcơva khi tôi trở lại lần thứ hai có vẻ náo nhiệt hơn. Không hẳn vì thời tiết đẹp. Nhưng đứng từ đồi Lenin nhìn xuống, cảnh sắc Matxcơva thật tuyệt vời. Phía sau lưng tôi trường đại học quốc gia Lomonosov sừng sừng giữa nắng chiều. Người bạn Việt ở Nga lái xe đưa chúng tôi chạy lòng vòng trên đại lộ thẳng băng, qua thánh đường Moscow, nhà hát Bolshov, Duma quốc gia Nga… mà cái cảm giác về sự hoành tráng của nó, những ai đã gặp một lần cả đời cũng không thể quên, cảm giác ấy không hề mất đi ngay cả những khi chúng tôi cuốc bộ đi dạo quanh khu phố đầy những đặc trưng văn hóa Nga, khu phố cổ Arbat.
Nhưng ấn tượng sâu đậm nhất của lần trở lại thứ hai này chính là việc tôi được chứng kiến diện mạo khác của thành phố - thành phố ngầm Matxcơva. Những lâu đài ngầm của thủ đô nước Nga được coi là một kỳ quan của kiến trúc là một thế giới khác của nước Nga. Bắt đầu được xây dựng từ năm 1935, mạng lưới xe điện ngầm của Matxcơva hiện đã bao quanh khắp thành phố với gần 500 km chiều dài, 123 ga với đầy đủ mọi tiện nghi phục vụ khách.
Ở đây, mỗi nhà ga là một công trình kiến trúc độc đáo, không giống ai và là những kiệt tác của các kiến trúc sư Nga bậc thầy, không chỉ là sự tiện ích, đường xe điện ngầm của Matxcơva còn là kho tàng quý giá của di sản văn hóa Nga và là biểu trưng của nền kiến trúc thấm đẫm chủ nghĩa nhân văn.
Đến nước Nga vào những ngày này, không khó để nhận ra: Matxcơva đang phải đối diện với nhiều thách thức trong tương lai phát triển. Dự án nào để phát triển một đô thị hiện đại mà không đánh mất bản sắc và phá vỡ cảnh quan? Làm thế nào để thu ngắn khoảng cách giàu nghèo đang tăng nhanh, mà sự ăn chơi hào nhoáng ở phố Arbat mới là biểu hiện điển hình?
Nhưng không thể phủ nhận, dưới thời ông Putin nước Nga đang tìm lại vị trí cường quốc đã đánh mất sau khi Liên Xô tan rã. Bộ mặt thành phố Matxcơva đã trở nên rạng rỡ hơn. Các siêu thị cao cấp mọc lên như nấm và đông nghịt người vào ra. Xe cộ chạy nườm nượp trên đường, hầu hết là các loại xe hiện đại nhất, nhập hoặc liên doanh sản xuất với Nhật, Mỹ, Đức, Pháp, Italy.
Con đường vành đai số 3, con đường cao tốc hiện đại của Matxcơva chạy giữa đường vành đai số 1 và số hai đã khép kín. Từ ban công tầng 20 của tòa nhà cao tầng trên đồi Lenin có thể nhìn thấy sự phát triển không ngừng của Matxcơva các công trình xây dựng ra khắp nơi. Thành phố đanh mở rộng ra mọi hướng với tốc độ chóng mặt.
Ngày cuối cùng trước khi rời nước Nga, ông Bùi Văn Hòa, Tổng giám đốc công ty Đầu tư thương mại Việt – Nga lúc đó đã có sáng kiến thuê một chuyến tàu chạy dọc sông Matxcơva. Niềm hạnh phúc đến với chúng tôi thật bất ngờ. Trong cái gió mát rượi của buổi hoàng hôn, nâng trên tay ly rượu voska, bánh mỳ đen và trứng cá hồi đen, tôi như mê đi nhìn con sóng trắng cuồn cuộn đuổi theo ca nô trên mặt sông xanh trong màu ngọc bích. Tôi say sưa ngắm những cánh rừng xanh mướt và những lâu dài ẩn hiện bên bờ sông, bầu trời thiên thanh của Matxcơva huyền hoặc đến nao lòng.
Tôi thẫn thờ ngó mãi về phía xa: Ở đâu sông Matxcơva sẽ đổ vào lòng Volga hùng vĩ, con sông khởi nguồn của vô vàn những cảm hứng nghệ thuật? Và, trong ráng chiều của ánh mặt trời sắp tắt, hiện ra bất ngờ trước mắt tôi, một vẻ đẹp khác, huyền ảo hơn: Những đỉnh tháp nhọn cao vút trên bức tường điện Kremlin, những tháp tròn dát vàng của các nhà thờ, bỗng rực lên lộng lẫy giữa hoàng hôn màu lửa như trong những bức tranh siêu thực.
Ấn tượng sâu đậm nhất của lần trở lại thứ hai này chính là việc tôi được chứng kiến diện mạo khác của thành phố - thành phố ngầm Matxcơva. Những lâu đài ngầm của thủ đô nước Nga được coi là một kỳ quan của kiến trúc là một thế giới khác của nước Nga. Bắt đầu được xây dựng từ năm 1935, mạng lưới xe điện ngầm của Matxcơva hiện đã bao quanh khắp thành phố với gần 500 km chiều dài, 123 ga với đầy đủ mọi tiện nghi phục vụ khách. Ở đây, mỗi nhà ga là một công trình kiến trúc độc đáo, không giống ai và là những kiệt tác của các kiến trúc sư Nga bậc thầy, không chỉ là sự tiện ích, đường xe điện ngầm của Matxcơva còn là kho tàng quý giá của di sản văn hóa Nga và là biểu trưng của nền kiến trúc thấm đẫm chủ nghĩa nhân văn.