Dù chưa chứng minh được tác hại nhưng Chi cục Kiểm dịch thực vật các vùng đã cấm nhập khẩu lúa mì nhiễm cỏ dại Cirsium Arvense. Sự việc khiến cho nhiều doanh nghiệp có liên quan tới bột mì bức xúc và lo lắng, do có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động kinh doanh của họ.
Tại buổi tọa đàm về khó khăn của doanh nghiệp Việt khi nhập khẩu lúa mì vừa diễn ra tại TP HCM, đại diện các doanh nghiệp cho biết, dù chưa chính thức thực thi “lệnh cấm” nhưng thiệt hại của các doanh nghiệp đã hiện hữu.
Cần nghiên cứu kỹ trước khi cấm
Các doanh nghiệp (DN) kinh doanh và chế biến bột mì vừa nhận được văn bản của Chi cục Kiểm dịch thực vật các vùng (thuộc Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NNPTNT) với nội dung thực hiện chỉ đạo của Cục Bảo vệ thực vật; theo đó, bắt đầu từ ngày 1/11/2018 các lô vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật bị nhiễm cỏ dại Cirsium Arvense sẽ bị xử lý theo hình thức tái xuất. Đặc biệt là quyết định này cũng quy định tạm ngưng nhập khẩu các loại vật thể bị nhiễm loại cỏ dại nói trên. Điều này đã làm các DN, nhất là DN có liên quan đến bột mì, bức xúc, vì quy định như vậy đồng nghĩa với việc cấm không cho nhập khẩu hầu hết lượng lúa mì của các DN đang hoạt động, gây thiệt hại rất lớn cho DN, người lao động và các hoạt động dịch vụ đi kèm của các DN khác…
Kiến nghị với Hiệp Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM chiều 8/10, ông Phan Công Cường - đại diện Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ Nghệ Bột Mì – Vikybomi, cho biết, lệnh cấm nhập khẩu ảnh hưởng rất lớn đến việc kinh doanh. “Hiện tại hàng tháng chúng tôi sử dụng đến 60.000 tấn lúa mì nhập khẩu. Nếu áp dụng quy định này chúng tôi sẽ không có nguồn nguyên liệu dể sản xuất, dẫn tới nguy cơ phải ngưng hoạt động, giải thể công ty” – ông Cường nói.
Theo ông Cường, hạt cỏ này hầu như không gây hại gì cho con người; khi về nhà máy có khâu phân loại, hạt này sẽ bị loại bỏ. Loại cỏ này sống xen với cây lúa mì, tức là nó chung khí hậu thổ nhưỡng với lúa mì, trong khi đó khí hậu nhiệt đới Việt Nam hầu như không trồng được lúa mì nên có thể loại cỏ này không phát triển mạnh ở khí hậu thổ nhưỡng Việt Nam. Ông Cường đề nghị, cần có thí nghiệm khoa học để biết loại hạt cỏ này có thể sinh sôi nảy nở được ở Việt Nam hay không, trước khi đưa ra lệnh cấm.
Ông Phan Thanh Hiếu - Phó Giám đốc Công ty cổ phần bột Bình An, nói: “Nếu không cho nhập vì hạt cỏ dại thì cũng phải cho chúng tôi thời gian tìm kiếm nguồn hàng, chứ bất ngờ như thế này thì làm sao chúng tôi có thể xoay xở được, trong khi các DN đã ký hàng hóa với khách hàng rồi. Nếu chưa khẳng định được cỏ đó gây hại, nên dừng lại để tìm hiểu, cùng với DN nghiên cứu thì lúc đó hãy đưa ra lệnh cấm cũng chưa muộn”.
Bà Huỳnh Kim Chi - Chủ tịch HĐQT công ty Liên doanh bột Quốc tế, cho biết: “Chúng tôi đang tiến hành nhập lô hàng trị giá 300 tỷ đồng về nước. Quy định gấp như vậy nếu hàng về trễ hơn ngày quy định có hiệu lực một vài ngày thì sao? Đề nghị Nhà nước cần có điều chỉnh hợp lý để DN chúng tôi tồn tại”.
Theo bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM, Đại diện phía Cục Bảo vệ thực vật có khẳng định phải cấm nhập khẩu lúa mì chứa cỏ Cirsium Arvense. Tuy nhiên, việc quy định “cấm” thì rất đơn giản, nhưng phải làm sao để giảm thiểu tối đa nhất thiệt hại cho cộng đồng DN trong nước cũng như người dân, đó mới là vấn đề cốt lõi cần xử lý.
Văn bản có trái quy định?
Theo bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TP HCM, cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng sau đó mới có văn bản mang tính pháp lý để áp đặt; chưa rõ mà đưa ra thì rất thiệt hại cho DN, trong khi hàng chục năm nay chúng ta đều nhập bột mì mà không có chuyện gì xảy ra. Do vậy, bà Lan đề nghị Cục Bảo vệ thực vật nên ngừng ngay văn bản này. Hạn định ngày 1/11 là rất sát, DN không thể xoay xở kịp. Đây là rào cản, vướng mắc mà nếu không tháo gỡ thì DN không thể nào chịu nổi.
Tại buổi tọa đàm ngày 8/10, nhiều DN kinh doanh lúa mì bức xúc.
Bà Lan cho biết chỉ nhận được các công văn Chi Cục bảo vệ thực vật vùng, nội dung nói là thực hiện sự chỉ đạo của Cục Bảo vệ thực vật, như vậy là vi phạm pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đúng ra Cục Bảo vệ Thực vật cần tham mưu cho Bộ NNPTNT ban hành, Cục Bảo vệ thực vật chỉ thực hiện lệnh cấm khi có tình huống khẩn cấp, và việc này không phải là khẩn cấp. Việc nhập, xuất của DN đã diễn ra từ hàng chục năm nay, và chưa có nghiên cứu, thí nghiệm nào về thiệt hại nên cũng không xem là tình huống khẩn cấp được.
ThS Nguyễn Hoàng Dũng - chuyên gia kinh tế, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triểnViện Kinh tế và Quản lý TP HCM đề nghị cần hủy bỏ văn bản này, chứ không phải xin lùi, vì không có cơ sở pháp lý, cơ sở khoa học, không có cơ sở đánh giá về thiệt hại kinh tế, trong khi đó, nếu được áp dụng sẽ gây thiệt hại cho DN, cho người lao động, các nhà máy và cho người tiêu dùng…
Trong khi đó, ông Lê Văn Vu - Phó Tổng Giám đốc Công ty bột mì Bình Đông cho rằng: “Khi có thông tin cấm này, chúng tôi rất lo lắng; tôi không đồng ý với cách làm không quản lý được thì cấm như hiện nay. Theo ông Vu, luật pháp quy định thì DN phải chấp hành, nhưng cũng cần phải có lộ trình, khuyến cáo, nghiên cứu chắc chắn”.
“DN có những sản phẩm không thể thay thế được lúa mì. Vừa rồi, chúng tôi có đặt vấn đề hàng không có hạt cỏ, giá cao hơn cũng được nhưng họ trả lời chúng tôi chỉ có vậy, mua không mua thì thôi. Nói chung là rất khó khăn cho DN thay thế. Làm thế này chúng ta thêm làm khó cho sự cạnh tranh sản phẩm tương tự với DN nước ngoài, chúng ta làm sao có thể cạnh tranh được với DN các nước họ không cấm?” - ông Vu lo lắng.