“Cử tri lo lắng về động cơ của việc cho/tặng, do đó cần có quy định về việc sử dụng để không có trục lợi gì”.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu tại phiên họp.
Thảo luận về Dự án Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi), sáng 20/4, nhiều ý kiến trong Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị quy định chặt chẽ về sử dụng tài sản cho/biếu/tặng vì thực tế một số cơ quan, đơn vị sử dụng các tài sản này không đúng tiêu chuẩn, định mức được quy định, dẫn đến việc phải trả lại các phương tiện cho các tổ chức, cá nhân cho/biếu/tặng; hoặc tài sản được cho/biếu/tặng đúng tiêu chuẩn, định mức nhưng cá nhân lãnh đạo sử dụng tài sản đó cũng gây dư luận không tốt trong xã hội.
Đánh giá việc trục lợi rất khó
Nêu quan điểm tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, không nên cấm việc cho/biếu/tặng mà quan trọng là sử dụng như thế nào. Tài sản đó được sử dụng cho cá nhân thì không được nhưng nếu đem thanh lý lấy tiền làm việc công thì cũng cần xem xét.
Chung quan điểm, ông Nguyễn Văn Giàu – Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại nói: “Tặng xe, phương tiện thấy ở nước ngoài có tặng tổ chức này, tổ chức kia nhưng ở ta việc tặng/biếu có hình thái khác. Do đó, toàn bộ xe cộ tặng/cho/biếu được tập hợp và xử lý nghiêm túc thì không có việc gì xảy ra”.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Giàu, với một số phương tiện đặc biệt như xe cứu thương tặng cho xã, phường, bệnh viện thì nên quy định riêng vì điều này là rất bình thường.
Liên quan đến nội dung này, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho rằng nên nhận tài sản cho/biếu/tặng để tăng tài sản Nhà nước, tuy nhiên, việc trục lợi từ việc tặng này thì đánh giá khó khăn.
“Cử tri lo lắng về động cơ của việc cho/tặng, do đó cần có quy định quét về việc sử dụng để không có trục lợi gì. Ví dụ doanh nghiệp trên địa bàn tặng cho Sở, ban ngành nhưng sau đó có mối quan hệ, hợp đồng kinh tế với cơ quan được cho/biếu/tặng này thì khó minh bạch” – bà Hải nói.
Cấm sử dụng xe được tặng phục vụ cho cá nhân
Trước đó, trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình dự thảo luật, ông Nguyễn Đức Hải - Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – Ngân sách cho biết, pháp luật hiện hành đã quy định cụ thể điều kiện các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước được nhận và không được nhận quà tặng; xác lập quyền sở hữu nhà nước đối với quà tặng; xử lý quà tặng trong trường hợp việc tiếp nhận phù hợp về đối tượng, tiêu chuẩn, định mức, chế độ.
Dự thảo luật quy định việc giao tài sản công cho cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập phải phù hợp với tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản (khoản 2 Điều 28, khoản 1 Điều 48), thẩm quyền quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản, đồng thời giao Chính phủ quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản, trong đó có tài sản do các tổ chức, cá nhân tặng cho các cơ quan, đơn vị của Nhà nước. Như vậy, các quy định Nhà nước là khá chặt chẽ.
Ông Nguyễn Đức Hải - Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – Ngân sách.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Hải, thực tế hiện nay, việc tiếp nhận và sử dụng các tài sản cho/biếu/tặng có nhiều trường hợp sai quy định, gây dư luận không tốt, đặc biệt đối với tài sản là ô tô và các tài sản phục vụ cho cá nhân.
Mặt khác, mặc dù tài sản cho/biếu/tặng đúng tiêu chuẩn, song việc cá nhân sử dụng tài sản này cũng dễ gây nghi ngờ về tính khách quan khi xử lý các vấn đề liên quan đến đơn vị cá nhân cho biếu tặng.
Do đó, UBTVQH đã chỉ đạo Cơ quan thẩm tra và Cơ quan soạn thảo bổ sung vào Điều 10 về các hành vi bị cấm: “Sử dụng xe ô tô và các tài sản khác do các tổ chức, cá nhân tặng cho để phục vụ cho cá nhân của các cơ quan, tổ chức, đơn vị”.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, quy định về cho/biếu/tặng tài sản không nên cứng vì cá nhân, doanh nghiệp tặng cho Nhà nước là được, nhưng quan trọng nhất là người sử dụng có đúng mục đích, tiêu chuẩn không.
“Nếu biếu/tặng không đúng định mức thì không được sử dụng, thừa thì đấu giá sung công quỹ. Ví dụ định mức xe 1 tỷ đồng nhưng nhận xe 3 tỷ đồng mà anh vẫn đi là sai” – Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.