Sau 5 năm xây dựng nông thôn mới, huyện Phước Long (Bạc Liêu) đủ tiêu chuẩn được Trung ương công nhận. Tuy nhiên, cán bộ và giáo viên địa phương này đang điêu đứng vì bị nợ lương. Có cán bộ phải đi vay tiền để ngân sách trả lương.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bạc Liêu có ý kiến, cho huyện Phước Long
tạm ứng 50 tỷ đồng để trả lương nhưng địa phương vẫn chưa nhận được tiền.
Đến huyện Phước Long (huyện điểm được Trung ương và tỉnh chọn là điểm chỉ đạo xây dựng nông thôn mới cấp huyện) những ngày này, đi đâu cũng nghe cán bộ, giáo viên than vãn chuyện túng thiếu vì bị nợ lương. Nhiều giáo viên cho biết, họ chưa được nhận lương từ tháng 8/2015 đến nay. Chi phí học hành, ăn uống của con công chức, viên chức đa số đều trông vào đồng lương của cha, mẹ nhưng chờ mãi vẫn không có tiền. Hiện nay, Phước Long đang nợ ngân sách, nợ doanh nghiệp, nợ lương cán bộ, công chức, viên chức và nợ bảo hiểm xã hội với số tiền hơn 260 tỉ đồng.
Ngày 10/11, ông Phạm Thanh Hải, Phó bí thư Huyện ủy Phước Long cho biết, theo văn bản của Văn phòng Tỉnh ủy Bạc Liêu, trước tình hình khó khăn của huyện, Tỉnh ủy có văn bản cho huyện tạm ứng 50 tỷ đồng nhưng số tiền này chưa về đến huyện. Vì vậy, Phước Long tiếp tục gặp khó khăn trong việc kiếm nguồn để trả lương.
Ông Phan Thành Đông, Chủ tịch UBND huyện Phước Long (Bạc Liêu) cho biết, nếu được tỉnh cho tạm ứng 50 tỷ đồng thì huyện sẽ trả lương cho cán bộ, công chức, viên chức đến tháng 9/2015.
Hiện nay, huyện đang nợ lương cán bộ, công chức trong huyện khoảng 100 tỷ đồng. Ngoài ra còn nợ các nhà thầu xây dựng khoảng 160 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là các công trình xây dựng nông thôn mới.
Nếu có được 50 tỉ đồng của tỉnh cho tạm ứng thì 3 tháng cuối năm, huyện vẫn còn tiếp tục khó khăn, phải tìm cách cân đối từ các nguồn khác để trả lương.
Theo một cán bộ cấp huyện, vợ chồng anh đều là công chức nên rất vất vả bởi cả hai không được cơ quan trả lương nhiều tháng. Gia đình này vay tiền ngân hàng nhưng không có tiền đóng lãi, đã bị chuyển sang nhóm nợ xấu.
Nhiều cán bộ, giáo viên từ huyện đến xã lâm vào cảnh khó khăn vì nhiều tháng chưa được chi lương, sa sút ý chí phấn đấu, làm việc.
Một cán bộ văn phòng UBND huyện cho biết: Đây không phải lần đầu tiên huyện Phước Long nợ lương cán bộ mà quỹ lương đã bị thiếu từ cuối năm trước. Để có tiền trả lương, nhiều cán bộ lãnh đạo của huyện Phước Long phải “gồng mình” mượn nợ giúp quỹ lương.
Ông Lê Văn Hài, Phó Văn phòng UBND huyện Phước Long đã làm đầu mối mượn nợ 6,9 tỷ đồng. Số tiền này được ông Hài đưa vào kho bạc nhằm có tiền trả lương cho hàng nghìn người trong huyện.
Tương tự, ông Nguyễn Hữu Tới, Chánh Văn phòng; ông Lâm Thành Sáo, Phó Chu tịch UBND huyện; cũng cố gắng chạy vạy nhiều nơi mượn tiền giúp ngân sách trong điều kiện khó khăn.
Được biết, lãnh đạo huyện Phước Long đã xin ý kiến của Tỉnh cho phép địa phương bán đấu giá một số tài sản không sử dụng trong đó có một số bất động sản được cơ quan chức năng thẩm định có giá trị khoảng 60 tỷ đồng để trả nợ cho các nhà thầu xây dựng công trình nông thôn mới và trả lương.