Mọi cán bộ công chức đều có quyền cung cấp thông tin cho báo chí nhân danh cá nhân và không phải chịu trách nhiệm nếu thông tin đúng.
Ông Lê Văn Nghiêm, Cục trưởng Cục thông tin đối ngoại (Bộ TTTT).
Ngày 1/6, Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM tổ chức đã tổ chức hội nghị hướng dẫn thực hiện Nghị định 09 ngày 9/2/2017 của Chính phủ quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của cơ quan hành chính Nhà nước.
Theo ông Lê Văn Nghiêm, Cục trưởng Cục thông tin đối ngoại (Bộ TTTT), Nghị định 09 yêu cầu các cơ quan hành chính nhà nước ít nhất 3 tháng một lần phải tổ chức họp báo để cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí.
Trường hợp 3 tháng không tổ chức họp báo thì sẽ bị xử lý. Một lần thì phê bình, tái phạm nhiều lần thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị đó sẽ bị cách chức.
Ông Nghiêm khẳng định mọi cán bộ công chức đều có quyền cung cấp (và từ chối cung cấp) thông tin cho báo chí với danh nghĩa cá nhân và không phải chịu trách nhiệm nếu thông tin đúng. Các cơ quan báo chí được phép giấu tên theo yêu cầu của nguồn tin.
Tại hội nghị, ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng, người phát ngôn UBND TP HCM cho biết trong 10 năm qua, TP HCM đã hai lần ban hành quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, trong đó đã bổ sung rất nhiều điểm mới phù hợp với điều kiện đặc thù về người phát ngôn, bao gồm người đứng đầu các cơ quan hành chính nhà nước, người được người đứng đầu giao nhiệm vụ phát ngôn và người được ủy quyền phát ngôn.
Trong năm 2016, TP HCM đã tổ chức họp báo định kỳ và bố trí phòng báo chí riêng theo dõi các cuộc họp của UBND thành phố với khoảng 90 phóng viên thường xuyên có mặt để thông tin về các cuộc họp.
“Các cơ quan nhà nước không nên ngại tiếp xúc mà phải gặp gỡ thường xuyên với báo chí như một người bạn của các cơ quan nhà nước, như là cánh tay nối dài để hệ thống chính quyền đưa những thông tin của thành phố đến với người dân, từ đó chúng ta hiểu được tâm tư, nguyện vọng, tình cảm, những băn khoăn vướng mắc của nhân dân để có những giải pháp khắc phục tốt hơn”, ông Hoan nói.