Ngày 17/8, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị sơ kết công tác cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2015 và phương hướng, nhiệm vụ cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2016-2020.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: VGP).
Phát biểu tại đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải tổng kết một cách thực chất, đánh giá tình hình và giải pháp sát với thực tiễn, không mang tính hình thức, nói thẳng vào những việc gai góc vướng mắc hiện nay trong bộ máy tổ chức, đội ngũ cán bộ công chức, thể chế pháp luật, trong dịch vụ hành chính công, tiền lương...
Tại Hội nghị, Bộ Nội vụ đã công bố chỉ số cải cách hành chính 2015 (PAR INDEX 2015) của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Kết quả chỉ số CCHC năm 2015 của các bộ, cơ quan ngang bộ cho thấy, giá trị trung bình chỉ số CCHC của 19 bộ, cơ quan ngang bộ đạt được là 85,3%, đạt giá trị cao nhất trong 4 năm triển khai thực hiện xác định chỉ số CCHC, cao hơn so với năm 2014 là 8,31% (năm 2014 đạt giá trị trung bình 76,99%).
Theo kết quả này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đạt chỉ số CCHC năm 2015 cao nhất với giá trị 89,42, xếp vị trí thứ nhất trong số 19 bộ, cơ quan ngang bộ; tiếp theo là Bộ Tài chính đạt chỉ số 89,21.
Về phía địa phương, Đà Nẵng tiếp tục khẳng định được vị thế khi dẫn đầu với chỉ số PAR-INDEX đạt 93,31, sau đó là Hải Phòng với 92,59. Đứng cuối bảng xếp hạng chỉ số là tỉnh Điện Biên (74,99). Có 5 tỉnh, thành phố có kết quả giảm điểm so với năm 2014 là Hà Nội (giảm 2,42 điểm); Bà Rịa-Vũng Tàu (giảm 0,43 điểm); Vĩnh Phúc (giảm 0,08 điểm); Đắk Lắk (giảm 0,36 điểm); Hưng Yên (giảm 0,69 điểm).Có 4 tỉnh có kết quả tăng cao trên 10 điểm, gồm Gia Lai (tăng 10,32 điểm); Vĩnh Long (tăng 12,10 điểm); Hà Nam (tăng 13,35 điểm) và Bắc Kạn (tăng 14,38 điểm).
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải tổng kết một cách thực chất, đánh giá tình hình và giải pháp sát với thực tiễn, không mang tính hình thức, nói thẳng vào những việc gai góc vướng mắc hiện nay trong bộ máy tổ chức, đội ngũ cán bộ công chức, thể chế pháp luật, trong dịch vụ hành chính công, tiền lương. “Trong cải cách hành chính có rất nhiều nội dung, nhưng khâu yếu nhất theo tôi là cán bộ. Cải cách thủ tục nhiều, nhưng cán bộ vẫn là vấn đề quyết định. Cán bộ chính là người thực hiện. Bộ máy đông mà chúng ta không mạnh thì cải cách bằng cách nào?”- Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo đó, hiện cả nước có hơn 2,6 triệu cán bộ, công chức hưởng lương Nhà nước; số lượng viên chức rất lớn, trên 2 triệu người. Vậy khâu xã hội hóa phải đặt ra mạnh hơn. Phải nâng cao chất lượng phục vụ, tự trang trải kinh phí, từ đó giảm số lượng biên chế nhà nước và quỹ tiền lương, nâng lương cho những người làm việc trực tiếp, những người phục vụ nhân dân- Thủ tướng nêu rõ đồng thời nhấn mạnh, cán bộ phải giỏi, có đạo đức, có tâm phục vụ nhân dân và phải luôn nhớ “3 xin” là “xin chào, xin cảm ơn và xin lỗi”. Mọi cán bộ phải là công bộc, phục vụ được dân hài lòng, biết lo cho dân và doanh nghiệp thì dân vui, yên tâm sản xuất kinh doanh, đất nước thịnh cường. Đồng thời giảm thanh tra, kiểm tra, không hình sự hoá vấn đề kinh tế, dân sự.
Đề cập đến chuyện đoàn xe công tháp tùng Thủ tướng chạy trong phố đi bộ ở Hội An (Quảng Nam) khi Thủ tướng dự hội nghị ngành du lịch, khiến dư luận thời gian qua có nhiều ý kiến không đồng tình, Thủ tướng cho biết: “Thủ tướng đi vào đường phố đã đi bộ trước hàng cây số rồi, xe ô tô vẫn đi phía sau và Thủ tướng không biết. Nhưng khuyết điểm đó vẫn có trách nhiệm của Thủ tướng trong việc quán xuyến nên cũng phải xin lỗi người dân để người dân thông cảm”.
Từ câu chuyện này, Thủ tướng cũng yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải quán xuyến công việc thuộc ngành mình, địa bàn mình để phục vụ nhân dân tốt nhất.