“Bản thân mỗi cán bộ Mặt trận phải tự tu dưỡng đạo đức, nâng cao trình độ lý luận, hiểu biết chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng công tác Mặt trận; phải có bản lĩnh, chính kiến, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” - Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn phát biểu tại lễ khai giảng lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác mặt trận (lớp 1, khóa V).
Ngày 10/7, tại TP Hồ Chí Minh, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức khai giảng lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác mặt trận (lớp 1, khóa V) cho 135 cán bộ Mặt trận từ cấp huyện, tỉnh ở 15 tỉnh thành phía Nam (từ Thừa Thiên Huế trở vào).
Tới dự và chủ trì lễ khai giảng có TS. Trần Thanh Mẫn, Ủy Viên Trung ương Đảng, chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam. Tham dự Lễ khai giảng còn có Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng cùng lãnh đạo các Ban, đơn vị Cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam.
Phát biểu tại buổi lễ khai mạc lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Mặt trận, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn, cho biết, nhiều năm qua, công tác cán bộ trong các phong trào hoạt động của Mặt trận luôn đóng vai trò quan trọng, then chốt. Theo đó, người cán bộ Mặt trận hiện nay phải có đủ tầm về năng lực, bản lĩnh, trí tuệ, trách nhiệm để thực hiện được nhiệm vụ của công tác Mặt trận trong điều kiện quyền và trách nhiệm ngày càng lớn.
“Đặc biệt giám sát, phản biện là việc khó, động chạm, cần bản lĩnh của người làm công tác Mặt trận hơn bao giờ hết. Mặt khác, cán bộ Mặt trận phải có đủ tâm, là sự gắn bó, gần dân, sát dân, hiểu dân, xuất hiện những nơi người dân cần, làm việc vì nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân. Mặt trận phải vừa làm cho nhân dân hiểu thông qua việc tuyên truyền, giải thích về đường lối, chủ trương của Đảng, Hiến pháp, pháp luật nhà nước, động viên người dân chấp hành cho đúng, cho tốt, đồng thời lắng nghe, thấu hiểu để kiến nghị với Đảng, Nhà nước hoàn thiện cơ chế, chính sách cũng như tổ chức thực hiện trên cơ sở bảo đảm hài hòa giữa lợi ích quốc gia, dân tộc và nhân dân để MTTQ thực sự trở thành cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân” - Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
Các đại biểu tham gia lớp bồi dưỡng công tác Mặt trận.
Theo Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, hiện nay Hiến pháp, Luật MTTQ Việt Nam và các bộ luật khác có liên quan đã quy định về quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam, trong đó giám sát, phản biện xã hội được quan tâm hoàn thiện về thể chế, cơ chế. Từ Hiến pháp 2013 quy định về vai trò của MTTQ Việt Nam đối với vấn đề giám sát, phản biện đến Quyết định 217-QĐ/BCT và Quyết định 218-QĐ/BCT của Bộ Chính trị và đến Nghị quyết liên tịch giữa Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam quy định chi tiết Điều 27, Điều 34 của Luật MTTQ Việt Nam về hình thức giám sát và phản biện xã hội, đã tạo hành lang pháp lý và điều kiện thuận lợi cho công tác giám sát và phản biện xã hội của MTTQVN và các tổ chức chính trị - xã hội.
“Đã có hành lang pháp lý, tới đây chúng ta phải làm thực sự, thực chất, và quan trọng hơn là dám làm, chọn đúng việc để làm để xã hội nhìn thấy, không để có sự hoài nghi. Cùng với việc tiếp tục đổi mới các phong trào thi đua, cuộc vận động để làm tốt giám sát, phản biện xã hội, mới thực hiện được vai trò đại diện, bảo vệ tốt hơn, mới tạo được đồng thuận xã hội và từ đó tập hợp, đoàn kết và xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc vững chắc” - Chủ tịch Trần Thanh Mẫn gợi mở.
Cũng theo Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, việc tổ chức các khóa bồi dưỡng như thế này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc trang bị cho các cán bộ Mặt trận những kiến thức nền tảng, kỹ năng cơ bản, chia sẻ, tích lũy những kinh nghiệm tốt làm hành trang tự tin làm công tác xã hội, Mặt trận, dân vận, với hình ảnh người cán bộ Mặt trận trong thời kỳ mới, thời kỳ hội nhập, phát triển. Ngoài những bài học trên giảng đường, nói chuyện, chia sẻ thì lớp học lần này còn có cả những chuyến đi thực tế, khảo sát.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn kỳ vọng các cán bộ tham dự lớp học này sẽ quyết tâm thực hiện 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Đây là những nhiệm vụ quan trọng không chỉ trong năm 2017 mà còn trong thời gian sắp tới.
Đó là nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân, củng cố và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Phát huy tinh thần sáng tạo và tự quản của nhân dân, triển khai các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước. Phát huy dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng và chính quyền vững mạnh. Tiếp tục mở rộng và nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động đối ngoại nhân dân. Hoàn thiện cơ chế, nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống MTTQ Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới
Bên cạnh đó, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn bày tỏ tâm tư, chia sẻ một số khó khăn với các cán bộ làm công tác Mặt trận hiện nay, đặc biệt là thu nhập trong thực tế cuộc sống còn khó khăn. Theo đó, hiện nay bậc lương của các cán bộ Mặt khá thấp.
Vì thế, để các cán bộ có thể dốc hết sức lực, toàn tâm toàn ý vì phong trào chung cần cải thiện cơ chế thu nhập. Tuy nhiên, đây là vấn đề thuộc cơ chế, cần có sự thay đổi từ trên xuống của cả hệ thống nhiều cấp bộ ngành chứ không riêng gì những cán bộ làm công tác mặt trận.
Cùng với đó, theo Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, bản thân mỗi cán bộ Mặt trận phải tự tu dưỡng đạo đức, nâng cao trình độ lý luận, hiểu chuyên môn, chắc nghiệp vụ, kỹ năng công tác Mặt trận; phải có bản lĩnh, chính kiến, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Từ những yêu cầu nêu trên đối với công tác Mặt trận trong thời gian tới, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị mỗi người cán bộ Mặt trận tại lớp tập huấn cần nghiêm túc nghiên cứu, tích cực học tập, cố gắng lĩnh hội và nắm vững các nội dung được quán triệt, truyền đạt tại khóa Bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Mặt trận.
Được biết, lớp học này sẽ diễn ra trong thời gian 10 ngày với sự tham gia nói chuyện, chia sẻ kinh nghiệm của nhiều vị lãnh đạo, cán bộ có kinh nghiệm trong công tác Mặt trận.